Mở quán cà phê mèo trở thành xu hướng kinh doanh của tín đồ yêu thú cưng trong những năm gần đây với nhiều trải nghiệm quý giá.
Kinh doanh cà phê mèo vẫn còn nhiều “ẩn số thú vị”. Quán cà phê mèo là gì? Các bước mở quán cà phê mèo. Những kinh nghiệm và chú ý khi mở quán cà phê mèo. Cùng Nhà Hàng Số giải mã các vấn đề trên nhé.
Nội dung
1. Quán cà phê mèo là gì?
Quán cà phê mèo là loại hình quán cà phê lấy các chú mèo làm nhân vật trung tâm. Khách hàng đến quán chủ yếu để chơi, chăm sóc và ngắm nghía những hoạt động của mèo. Thực khách sẽ trả một khoản tiền tùy theo quy định của nhà hàng để vào tham quan và thưởng thức tại cửa hàng.
Mô hình cà phê thú cưng đã xuất hiện từ lâu ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, đến năm 2019, kinh doanh cà phê thú cưng, trong đó có quán cà phê mèo mới nở rộ và phổ biến ở Việt Nam. Quán cà phê mèo là mô hình kinh doanh lấy giống mèo ta và mèo lai làm nhân vật chủ đạo. Thực khách đến quán không phải để thưởng thức cà phê. Họ đến để thỏa mãn tình yêu thương với các chú mèo.
2. Những ưu nhược điểm khi mở quán cà phê mèo
Nếu là một “con sen” chính hiệu đang muốn khởi nghiệp, bạn có thể cân nhắc mô hình quán cà phê mèo với nhiều tiềm năng.
2.1 Ưu điểm
Kinh doanh quán cà phê mèo, bạn không phải quá lo lắng về thực đơn cũng như hương vị đồ uống. Đó là ưu điểm vượt trội nhất của mô hình cà phê mèo. Điều này cũng có nghĩa bạn đã tiết kiệm cho mình nguồn chi phí vật tư và trang thiết bị nhà hàng một cách đáng kể. Theo khảo sát thực tế, hơn 90% thực khách đến quán cà phê mèo để chơi với thú cưng. Cà phê chỉ là thứ yếu.
Ưu điểm thứ hai là nguồn khách hàng tiềm năng. Vì mục đích của khách hàng là thú cưng, nên xác suất khách hàng trở lại lần sau rất lớn. Đối với những người yêu chó mèo, họ coi chó mèo như một người bạn. Với một tình cảm đặc biệt đó, khi nhớ chúng, khách hàng sẽ ghé thăm quán thường xuyên. Nhờ đó, lượng khách trung thành cũng duy trì được ở mức nhất định.
Bên cạnh ưu điểm, quán cà phê mèo cũng có hạn chế nhất định.
2.2 Nhược điểm
Nhược điểm lớn nhất của mô hình kinh doanh này là việc quản lý và chăm sóc số lượng lớn mèo của quán. Mỗi quán cà phê mèo có khoảng 20-30 con hoặc hơn. Nếu không có kỹ năng chăm sóc, những chú mèo sẽ dễ bị ốm. Vấn đề vệ sinh quán cũng là một hạn chế. Bạn phải đảm bảo dọn vệ sinh quán và huấn luyện cho đội quân của mình trở thành những chú mèo có kỷ luật.
Bạn phải đảm bảo được những chú mèo được tắm gội thường xuyên và thật sạch sẽ, thơm tho. Chăm sóc những chú mèo thật tốt thì chúng mới đủ sức khỏe để tạo không gian vui vẻ cho quán cafe của bạn. Để làm được những điều đó, bạn phải có kiến thức và kỹ năng chăm sóc thú cưng thượng thừa. Đặc biệt là tình yêu thương mèo vô bờ bến mới đủ kiên nhẫn để “dấn thân” vào loại hình kinh doanh đặc biệt này.
Xem thêm:
- Mô hình cafe sân thượng: Tiềm năng từ mô hình độc đáo
- Chi phí mở quán cafe sân vườn | Cập nhật đầy đủ, chi tiết A-Z
3. Mở quán cà phê mèo, bạn phải lưu ý điều gì?
Kinh doanh quán cà phê mèo là một mô hình khá đặc thù. Bạn không phải tập trung vào tay nghề pha chế, ngược lại, bạn phải hiểu rõ các “vị hoàng đế” của mình.
3.1 Trang bị vững kiến thức nuôi và huấn luyện mèo
Đặc điểm ngoại hình, điều kiện môi trường sống, sở thích và trạng thái cơ thể, các căn bệnh phổ biến mèo thường gặp là điều bạn phải nắm rõ. Hiểu hết những sở thích, thói quen và cơ địa của những chú mèo, bạn mới chăm sóc và huấn luyện chúng được.
Ví dụ, giống mèo Anh lông ngắn có tính cách tương đối dễ chịu, thích yên tĩnh, không ồn ào. Giống mèo này không lạ người, thích đùa nghịch với người, ôm ấp và vuốt ve. Tuy nhiên, điểm yếu của chúng là lười biếng, không thích vận động và nằm một chỗ. Điều này dễ gây nên các bệnh béo phì, thừa cân.Hiểu được tính cách này, bạn thường xuyên chơi với nó, mua các loại đồ chơi cho thú cưng kích thích sự vận động của mèo. Bạn cũng thường xuyên cho mèo đi khám sức khỏe, ăn đồ tiêu hóa dễ và không quá nhiều chất dinh dưỡng.
Tóm lại, hiểu được tính cách, cơ địa của mèo để bạn tạo ra môi trường tốt nhất để mèo phát triển cả về tinh thần lẫn thể chất.
3.2 Vệ sinh quán cà phê mèo hằng ngày
Vì khách hàng tìm đến quán cà phê của bạn để chơi với mèo, nên bạn phải luôn đảm bảo không gian quán sạch sẽ, ngăn nắp. Có cả ghế và không gian để khách chơi với mèo. Khách cũng có thể ngồi xuống sàn để dễ âu yếm mèo, nên bạn phải đảm bảo sàn nhà luôn sạch bóng.
Bạn nên sắm máy hút bụi cho quán nếu có điều kiện. Do đặc thù lông mèo sẽ rụng theo mùa, nên hút bụi, thay cát, dọn vệ sinh hằng ngày đảm bảo không gian sạch giữ chân khách hàng. Đồng thời cũng ra môi trường sống tốt cho các bạn mèo.
3.3 Đảm bảo vệ sinh cho mèo sạch sẽ
Sau quá trình hoạt động liên tục, mèo sẽ tiết ra mồ hôi, lông sẽ bết lại và tạo mùi hôi khó chịu. Lúc mèo đi vệ sinh có thể bị dính phân vào phần lông mà bạn không biết. Tất cả sẽ khiến không gian quán cà phê của bạn có mùi khó chịu.
Để khắc phục tình trạng này, bạn phải đảm bảo việc mỗi ngày dành thời gian chăm sóc và vệ sinh cá nhân cho đàn mèo. Bạn phải tắm rửa, chải lông và cắt móng chân, móng tay cho các bạn ấy thường xuyên. Định kỳ 3-6 tháng/lần, bạn hãy đưa các bạn ấy đề bệnh viện thú y khám sức khỏe định kỳ, tiêm thuốc ngừa giun sán và vệ sinh tai mũi họng.
Khi bạn xác định kinh doanh quán cà phê mèo, bạn phải thật sự yêu thương và dành thời gian cho chúng. Một khoảng thời gian cố định bắt buộc phải chăm sóc chúng. Bởi vì các bạn mèo chính là những “người bạn cần mẫn” mang về doanh thu cho quán.
Đảm bảo sức khỏe, môi trường sống của mèo cũng chính là chăm sóc sức khỏe cho chính bạn.
3.4 Lựa chọn đồ chơi cho mèo
Mỗi giống mèo sẽ có nét tính cách và sở thích khác nhau. Bạn hãy dựa trên những điểm chung và nét riêng biệt của các bạn để lựa chọn đồ chơi phù hợp. Đồ chơi cho thú cưng trong quán cà phê mèo cực kỳ quan trọng. Nó quyết định xem mèo của bạn có hoạt bát, nhiều năng lượng không, hay lười biếng cả ngày.
Sau khi lựa chọn xong đồ chơi, cách bài trí đồ chơi cho mèo cũng cần chú ý. Đây chính là nghệ thuật bài trí, thiết kế quán cà phê của bạn. Nếu chưa có kinh nghiệm, bạn nên mời chuyên gia trong lĩnh vực này về sắp đặt. Đảm bảo việc sắp đặt, bài trí đồ chơi cho mèo hợp lý, không diễn ra tình trạng “tranh chấp chủ quyền” của nhau.
3.5 Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong quán
Lưu ý cuối cùng là nội quy cơ bản của quán cà phê mèo. Bên cạnh các quy định thông thường như không hút thuốc lá, không ồn ào mất trật tự,… thì quán cà phê mèo còn nhiều lưu ý. Vì thành viên trong nhà hàng không chỉ có mỗi con người, nên bạn phải ứng xử để các bạn mèo cũng thoải mái.
Cụ thể, quán triệt khách vào không cho mèo ăn đồ ăn bên ngoài; không được đánh, mắng hoặc làm mèo hoảng sợ. Quán cũng không nên cho trẻ em dưới 3 tuổi tiếp xúc với mèo.
Tuân thủ những yêu cầu này, sức khỏe thú cưng của bạn mới đảm bảo. Bên cạnh việc in nội quy lên tường, bạn có thể nhắc nhở trực tiếp khách khi gọi món.
4. Các bước mở quán cà phê mèo
Có nhiều mô hình kinh doanh cafe mèo. Ví dụ như tính phí theo giờ để khách vào chơi với mèo. Có quán sẽ bán cà phê, đồ uống và cho khách chơi với mèo là chính. Có quán bán kèm các sản phẩm thức ăn cho mèo. Có những quán chỉ đơn giản bạn vào chơi với mèo miễn phí, không gọi món cũng không vấn đề gì.
Để kinh doanh quán cà phê mèo cần nhiều bước:
4.1 Tìm vị trí mặt bằng phù hợp
Bước đầu tiên kinh doanh là xác định mặt bằng. Quán cà phê mèo của bạn nên được đặt ở vị trí gần với khách hàng. Ví dụ như gần khu vui chơi, giải trí; gần chung cư; trường đại học,… Tốt hơn nữa nếu có chỗ để phương tiện rộng rãi, thoáng mát và miễn phí. Nếu không có, bạn phải tự sắp xếp đảm bảo an toàn phương tiện cho khách hàng.
Nội thất, bài trí cà phê mèo cũng rất quan trọng. Nếu chưa có kinh nghiệm, bạn nên tìm một thiết kế có kinh nghiệm về mô hình cà phê mèo. Hãy đảm bảo không gian cho khách hàng sẽ tách biệt hết mức với khu vực mèo đi vệ sinh và ăn uống.
4.2 Decor nội thất khi mở quán cafe mèo
Đối với nội thất trong quán, bạn nên lựa chọn nguyên liệu bằng gỗ, nhựa hoặc thủy tinh, inox. Nên tránh đệm vải vì mèo sẽ dễ bám lông. Mèo cũng sẽ cào rách vải làm mất thẩm mỹ và tốn chi phí. Đối với mặt tường quán cà phê, không dán bằng giấy dán tường mà nên sơn.
Bàn ghế trong quán cà phê mèo nên thiết kế theo kiểu ngồi bệt hoặc bàn ghế thấp. Như vậy khách có thể dễ dàng chơi với mèo hơn. Quán cà phê mèo nên tạo một khoảng không khác biệt. Ví dụ như hơi hướng nghịch ngợm, cute, đáng yêu hoặc ngộ nghĩnh để thu hút sự hứng thú của khách hàng.
Nội thất của quán cà phê mèo rất quan trọng. Không cần quá xa hoa hay cầu kỳ, chỉ cần thiết kế theo phong cách ngồi bệt. Bạn sắm thêm một vài chiếc gối ôm hình thù đa dạng nữa đã tạo ấn tượng tốt cho khách hàng rồi.
Khác với kinh doanh quán cà phê thông thường, thực đơn của quán cà phê mèo gồm: đồ uống, không gian, và thú cưng.
Với thức uống, bạn không cần quá cầu kỳ và sáng tạo. Chỉ cần những món đơn giản chuẩn vị truyền thống. Không gian nên thiết kế để khách hàng có thể chill cùng các bạn mèo. Vừa chụp ảnh, vừa là chơi với các thú cưng. Để tiện cho quá trình thưởng thức thực đơn, bạn có thể chuẩn bị những đồ ăn dành cho mèo mà khách có thể cho mèo ăn. Thăm không gian sống của mèo cũng là một gợi ý thú vị.
Bên cạnh cà phê, bạn có thể bán thêm các đồ ăn vặt. Vừa nhâm nhi cà phê, thưởng thức chút đồ ăn vặt, vừa chơi với mèo, quá tuyệt vời!!!
4.4 Nên lựa chọn những giống mèo nào
Mèo khá đa dạng. Tùy theo sở thích, tài chính và vốn hiểu biết của mình, bạn lựa chọn các giống mèo khác nhau. Cụ thể như mèo Ba Tư, mèo ta, mèo Anh lông ngắn, mèo Anh lông dài, mèo tai cụp, mèo Mỹ tai xoắn,…
Lưu ý, bạn phải đảm bảo sức khỏe cho các chú mèo của mình. Dưới một tuổi, bạn phải đưa mèo tiêm vacxin đầy đủ. Nếu một con có dấu hiệu ốm, bạn phải đưa đến bệnh viện thú ý khám và điều trị kịp thời. Tránh trường hợp mèo ốm nặng hoặc lây sang các bé mèo khác.
Với 5 bước cơ bản, bạn đã bắt đầu đưa quán cà phê mèo vào hoạt động. Bước cuối cùng, bạn lựa chọn các hình thức quảng cáo, truyền thông cho thương hiệu của mình.
5. Truyền thông, marketing quán cà phê mèo
Sau khi đi vào hoạt động, bạn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng cáo.
5.1 Quảng cáo qua mạng xã hội
Facebook, tiktok, Instagram đều là môi trường “béo bở” để bạn quảng bá thương hiệu của mình. Sau khi lập tài khoản mang tên quán của bạn, lập kế hoạch truyền thông cụ thể và chi tiết.
Nội dung quảng cáo có thể khai thác theo nhiều chiều và nhiều góc tiếp cận khác nhau. Chia sẻ kinh nghiệm nuôi thú cưng; chill cùng bạn mèo; cứu trợ động vật,…
Với hình ảnh và nội dung sắc nét, chắc chắn bạn sẽ kéo được khách hàng yêu mèo về với quán của mình.
5.2 Xác nhận danh tính cho mèo
Khi đã có các nền tảng mạng xã hội, bạn tạo profile cho những chú mèo trong quán của bạn. Việc này tưởng chừng như vô lý nhưng tạo điểm nhấn cho quán không ngờ.
Đừng coi những chú mèo chỉ là mèo nữa, hãy đưa chúng gia nhập với thế giới con người. Chắc chắn khách hàng sẽ rất tò mò và thấy thú vị với những profile: tên, tuổi, quốc tịch, tính cách, sở thích, sở ghét,… của mỗi con mèo. Việc này cũng giúp khách hàng phân biệt giữa con mèo này so với con mèo khách.
5.3 Hợp tác với trạm cứu hộ động vật, cưu mang mèo bị bỏ rơi
Đây là một hành động nhân văn và nhân đạo đối với những con vật bị bỏ rơi. Thật tuyệt vời nếu quán cà phê của bạn nhận nuôi những bé mèo cơ nhỡ, ốm đau. Càng tuyệt vời hơn khi chính quán của bạn là trạm trung chuyển hạnh phúc cho các chú mèo xấu số về với người chủ mong muốn nhận chúng.
Khi bạn hợp tác với trạm cứu hộ chó mèo, bạn cũng nhận được những lời khuyên, tư vấn từ những người có kinh nghiệm. Cộng đồng và những vị khách khi biết đến hành động này cũng sẽ thiện cảm với quán của bạn hơn.
Xem thêm:
- Kinh nghiệm mở quán cafe bóng đá hút khách nườm nượp
- Hướng dẫn mở quán cà phê rang xay thành công chi tiết từ A – Z
6. Top 10 quán cà phê mèo nổi tiếng “đốn tim” bạn trẻ ở Hà Nội
- Ngao’s Home: Ngõ 421/4 Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
- Cat’s House Nguyên Xá: 199 phố Nguyên Xá, Phường Minh Khai, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
- Ga Kafe: 8 ngõ 75 Phố Đặng Văn Ngữ, Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội
- Pet Island: 36 Ngõ Vạn Kiếp, Cửa Nam, Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Quán Bastet’s Home Coffee: 34 Trưng Nhị, Nguyễn Trãi, Quận Hà Đông, Hà Nội
- Kẻ Cót: Số 17 Ngõ 113 phố Yên Hoà, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
- MEO’s HOUSE coffee: P102, Ngõ 33 Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội
- Cafe Mèo Lizzy House: 160 P.Trung Phụng, Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội
- Suỵt Kafe: Số 17 Ngõ 113 phố Yên Hoà, Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
- Eoeo Coffee: Số 6/84 Ngõ 106 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội
7. Tổng kết
Bài viết này đã cung cấp những kiến thức cần thiết để bạn có thể bắt đầu mở quán cà phê mèo. Khó khăn, thử thách nhiều, nhưng chỉ cần bạn có tình yêu thương và bao dung với mèo, bạn hoàn toàn có thể làm được. Chuyên mục khởi nghiệp của Nhà Hàng Số sẽ tiếp tục mang đến những ý tưởng và mô hình khởi nghiệp hấp dẫn trong các bài viết tiếp theo.