Bay leaf là gì? Chúng có nguồn gốc từ đâu? Hương vị ra sao? Bảo quản và chế biến thế nào? Tất cả sẽ được lý giải trong bài viết dưới đây.
Nếu đã từng tham khảo công thức chế biến các món súp của Pháp, hay đồ ăn Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn bạn đã từng bắt gặp cái tên bay leaf. Đây là một loại thảo mộc được sử dụng rất phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên với người Việt Nam đây là một nguyên liệu khá lạ lẫm. Bài viết dưới đây của Nhà hàng số sẽ giúp bạn lý giải bay leaf là gì cũng như tất tần tật những thông tin cần thiết mà bạn nên biết về bay leaf.
Nội dung
1. Bay leaf là gì?
Bay leaf hay còn gọi là lá nguyệt quế là một loại lá gia vị rất phổ biến trong ẩm thực phương Tây. Bay leaf được thu hoạch từ cây nguyệt quế, một loại cây bụi thường xanh mọc ở các vùng có khí hậu ấm áp. Lá nguyệt quế dày, có lông mỏng, đầu lá thon nhọn. Cây nguyệt quế có hai họ hàng gần là cây xá xị và cây quế.
Lá nguyệt quế tươi có màu xanh bóng ở mặt trên với màu xanh nhạt hơn ở mặt dưới. Khi lá khô, màu sắc chuyển sang nâu nhạt và đồng nhất ở cả hai mặt. Hương vị cũng tăng cường. Lá nguyệt quế tươi thường đắt hơn nhiều và không để được lâu như lá nguyệt quế khô.Thông thường khi sử dụng lá nguyệt quế sẽ được phơi khô hoặc nghiền thành bột.
2. Các loại bay leaf phổ biến
Có hai loại bay leaf thường được sử dụng trong ẩm thực: bay leaf Thổ Nhĩ Kỳ (hoặc Địa Trung Hải) và bay leaf California. Đây là hai loại nguyệt quế không có độc và an toàn khi sử dụng. Vậy khác biệt giữa hai loại bay leaf là gì?
Lá nguyệt quế Thổ Nhĩ Kỳ là loại được dùng phổ biến hơn. Loại bay leaf này được ưa chuộng hơn nhờ hương vị tinh tế và có chiều sâu hơn. Còn bay leaf California có mùi đậm và hơi pha lẫn hương bạc hà nên khi sử dụng có thể làm mất hương vị của món ăn.Có thể dễ dàng phân biệt hai loại bay leaf thông qua hình dáng của chúng. Loại từ Thổ Nhĩ Kỳ có hình dáng ngắn và dày hơn. Còn bay leaf California thì thuôn dài và mỏng hơn.
Bay leaf California (bên trải) và bay leaf Thổ Nhĩ Kỳ (bên phải)
Ngoài ra còn có một số loại bay leaf đến từ Ấn Độ, Indonesia, nguyệt quế anh đào, nguyệt quế núi,… Nhưng các loại nguyệt quế này có độc nên không được sử dụng phổ biến trong ẩm thực..
3. Nguồn gốc của bay leaf
Bay leaf bắt nguồn từ khu vực Tiểu Á ở Trung Đông dọc theo bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Loài cây này được người Hy Lạp cổ đại phát hiện cách đây hơn 3.000 năm và được người Hy Lạp, La Mã mang về trồng trọt. Những chiếc lá này coi là thiêng liêng trong nền văn hóa Hy Lạp và La Mã và được tôn kính vì đặc tính chữa bệnh của chúng. Trong thời kỳ này bay leaf là biểu tượng của danh dự và thành công. Các hoàng đế La Mã và Hy Lạp cũng như các vận động viên, anh hùng, học giả,…những người có địa vị đều đeo lá nguyệt quế.
Vào thời Trung cổ, bay leaf được sử dụng phổ biến ở châu Âu để làm thuốc và nấu nướng. Sau đó chúng được đưa đến châu Mỹ, trở thành nguyên liệu phổ biến trong ẩm thực Mỹ và Mexico. Ngày nay, cây nguyệt quế được nhân giống khắp lưu vực Địa Trung Hải. Chủ yếu để làm nguyên liệu ẩm thực và trang trí.
4. Hương vị của bay leaf
Đầu tiên về mùi hương, đâu là lý do chính khiến lá nguyệt quế được sử dụng. Bay leaf khô có mùi gỗ thơm pha lẫn hương hoa, mật ong. Ngoài ra còn kèm thêm một chút mùi hương của hạt nhục đậu khấu, đinh hương và hạt tiêu. Mùi hương của bay leaf hơi giống lá oregano và húng tây. Myrcene là thành phần tạo ra mùi hương trong bay leaf. Chất này cũng được sử dụng trong các loại tinh dầu để chế tạo nước hoa.
Nếu ăn sống trực tiếp bay leaf có vị hăng và hơi đắng. Vì lá nguyệt quế không dùng để ăn trực tiếp, nên vị của chúng phụ thuộc vào những gì chúng đem lại cho món ăn. Có khá nhiều tranh cãi xoay quanh câu hỏi hương vị thực sự của bay leaf là gì? Nhiều đầu bếp tin rằng lá nguyệt quế không đóng góp bất kỳ vị gì cho món ăn. Một số khác lại thấy loại lá này tạo thêm một tầng hương vị sâu lắng hơn.
Vì vậy, dù lá nguyệt quế không tạo thêm hương vị cho món ăn nhưng chúng có thể được coi là “diễn viên phụ”. Vì chúng giúp làm nổi bật các hương vị trong món ăn của bạn.
5. Lợi ích của bay leaf là gì
Bay leaf đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ như một loại trà thảo dược. Quan niệm dân gian cho rằng chúng có thể chữa chứng phát ban ngoài da, viêm khớp và nhiễm trùng tay. Lá nguyệt quế còn chứa flavonoid, alkaloid, anthocyanin và flavon – những chất có tác dụng chống oxy hóa.
Nghiên cứu gần đây còn cho thấy lá nguyệt quế cũng có tác động tích cực đến lượng đường trong máu, mức chất béo trung bình và cholesterol.
Lá nguyệt quế là loại thảo mộc thơm được sử dụng để làm gia vị cho nhiều món ăn Địa Trung Hải cổ điển. Lá thường được nghiền nát trước khi nấu. Mùi thơm nồng của chúng để tạo hương vị cho các món ăn từ cá, gia cầm và ngũ cốc.
Bay leaf khô thường được sử dụng để nêm súp, món hầm, thịt và hải sản trong ẩm thực Tex-Mex để tăng hương vị. Ngoài ra bay leaf còn là một phần trong hỗn hợp thảo mộc “herbes de Provence.” Hỗn hợp này được dùng để nấu món súp bouillabaisse truyền thống của Pháp.
Xem thêm:
- BBQ là gì? Nguồn gốc và những điều thú vị về BBQ bạn nên biết
- Fine dining là gì? Cách để thưởng thức “Fine dining đúng điệu”
6. Lưu ý khi nấu ăn với lá nguyệt quế
Vì lá không mềm khi nấu nên bay leaf được thêm vào nước sốt đang sôi hoặc cho vào nước hầm, sau đó vớt ra trước khi dùng. Đặc biệt bay leaf có đầu nhọn có thể cắt vào miệng, gây nghẹt thở hoặc thậm chí cắt vào đường tiêu hóa. Do đó khi chế biến với các công thức có lá nguyệt quế cần chú ý vớt toàn bộ lá ra trước khi phục vụ thực khách.
Nên cho bay leaf vào khi bắt đầu nấu vì càng ninh lâu thì lá nguyệt quế càng có nhiều thời gian tiết ra hương vị và ngấm vào món ăn. Ngoài sử dụng trong súp và món hầm, bay leaf có thể dùng để nhồi vào bụng gà trước khi nướng hoặc thêm vào nước nấu cơm. Khi nghiền thành bột, bay leaf được sử dụng tương tự như một loại gia vị .
7. Lựa chọn và bảo quản bay leaf đúng cách
Về cơ bản bay leaf khá dễ lựa chọn. Khi chọn mua bay leaf khô, cần quan sát kĩ đảm bảo không có bất cứ vết mốc nào. Vì nếu bảo quản không đúng cách khiến lá bị dính nước có thể sinh nấm mốc. Ngoài ra hãy miết nhẹ lên lá, nếu thấy lá tỏa mùi thơm nhẹ, không bị vỡ vụn thì có thể an tâm lựa chọn.
Đối với bay leaf, có thể bảo quản ở nhiệt độ thường hoặc trong điều kiện lạnh. Có thể cho lá nguyệt quế tươi vào túi có khóa kéo kín và bảo quản trong tủ lạnh để dùng được trong một hoặc hai tuần. Lá nguyệt quế khô có thể được bảo quản trong hộp kín ở nơi khô ráo chẳng hạn như tủ gia vị hoặc tủ đựng thức ăn. Cách này có thể bảo quản bay leaf đến một năm trước khi mất đi mùi thơm. Bạn cũng có thể bảo quản lá nguyệt quế khô trong ngăn đá, điều này sẽ giúp lá nguyệt quế giữ được hương vị.
8. Tạm kết
Bay leaf là một loại gia vị với hương thơm độc đáo, dễ sử dụng. Đây là một nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều nền ẩm thực khắp thế giới. Hy vọng qua bài viết này bạn đã trả lời được câu hỏi bay leaf là gì cũng như biết thêm những thông tin cần thiết liên quan đến bay leaf. Theo dõi nhà hàng số để cập nhật thêm thông tin về những thuật ngữ mới nhất trong ngành F&B.