Chiến lược marketing của Oreo thành công nhờ sự đơn giản, gần gũi nhưng không kém phần sáng tạo để đáp ứng đa dạng “khẩu vị” người tiêu dùng
Nhắc đến “Xoay bánh – Nếm kem – Chấm sữa”, ai cũng sẽ nhớ ngay đến bánh quy Oreo. Một thương hiệu lâu đời, nổi tiếng và chiếm lĩnh thị phần lớn trên khắp thế giới. Với sự tồn tại và phát triển trong thời gian dài, nó ngày càng in đậm dấu ấn xuyên suốt hàng bao thế hệ. Và một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công đó chính là từ các chiến lược marketing độc đáo của Oreo. Cùng Nhà Hàng Số tìm hiểu ngay thông qua bài viết dưới đây.
Nội dung
- 1. Tiềm năng thị trường bánh kẹo
- 2. Tổng quan về Oreo
- 3. SWOT của Oreo
- 5. Chiến lược Marketing Mix 4P của Oreo chi tiết nhất
- 6. Chiến lược Moment Marketing độc đáo bậc nhất
- 7. Oreo – Chiến dịch “cá nhân hóa”
- 8. Một số chiến lược Marketing ấn tượng khác của Oreo
- 9. Bài học rút ra từ các chiến dịch Marketing của Oreo
- 10. Tạm kết
1. Tiềm năng thị trường bánh kẹo
Thị trường bánh kẹo của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng chậm trong giai đoạn 2015 – 2020 khi ở mức 5% – 8%. Tuy nhiên, doanh thu vẫn tăng nhanh và rơi vào khoảng 40 nghìn tỷ đồng năm 2020. Hiện tại, mức tiêu thụ bánh kẹo bình quân đầu người ở nước ta là khoảng 2kg/người mỗi năm. Khá thấp so với bình quân trên thế giới. Tuy nhiên, đặc trưng dân số trẻ của Việt Nam sẽ là yếu tố tiềm năng để mở rộng thị trường này trong tương lai.
Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, ngành FMCG ổn định so với các ngành khác. Theo Kantar Worldpanel, Việt Nam tiêu thụ hàng FMCG tăng trưởng ở mức cao so với các nước Đông Nam Á khác trong quý 4 năm 2021. Cụ thể, trong quý 4/2021, tổng mức tăng trưởng tiêu dùng FMCG ở thành thị và nông thôn lần lượt là 3,9% và 5,2%. Trong khi, chỉ số này ở Thái Lan là 3,5%. Tăng trưởng doanh thu bán lẻ của Việt Nam đối với các phân khúc hàng hóa và dịch vụ lưu trú & ăn uống là 9,1% và 3,3% vào tháng 3 năm 2022. Tỷ lệ này ngang mức trước đại dịch. BMI cũng dự báo tổng chi tiêu hộ gia đình của Việt Nam sẽ có xu hướng tăng (2022-2025). Do đó, sức mua mạnh mẽ đối với các sản phẩm FMCG không bị ảnh hưởng quá nhiều do đại dịch.
2. Tổng quan về Oreo
Oreo là nhãn hiệu bánh quy kẹp kem bán chạy và nổi tiếng khắp thế giới. Vào tháng 3 năm 2012, tạp chí Time ghi nhận Oreo có mặt tại hơn 100 quốc gia. Từ năm 1912, hơn 450 tỷ chiếc bánh Oreo đã được sản xuất trên toàn thế giới. Có thể thấy, Oreo đã thích nghi và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng khắp thế giới. Sự tăng trưởng và thị trường chiếm lĩnh mạnh mẽ thể hiện ở doanh thu từ các thị trường quốc tế nhiều hơn gấp đôi doanh số bán hàng của Mỹ.
Ngoài Hoa Kỳ, các thị trường tiêu thụ loại bánh này lớn nhất phải kể đến: Argentina, Vương quốc Anh, Vùng Caribe, Trung Mỹ, Tây Ban Nha, Mexico, Indonesia, Canada, Trung Quốc,… Bánh quy Oreo cũng có nhiều phiên bản bánh khác nhau, ví dụ: Double Stuf Oreo (1974), Football Oreo (1976), Big Stuf Oreo (1987), Golden Oreo (2004), Oreo Mini (1991), Mega Stuf Oreo (2013), Oreo Thins (2015), Chocolate Oreo, Mint Oreo, The Most Stuf (2019), Oreos trà xanh (Trung Quốc, Nhật Bản), Lemon Ice Oreos (Nhật Bản).
3. SWOT của Oreo
Để có cái nhìn tổng quan hơn về Oreo, cùng Nhà Hàng Số khám phá ngay mô hình SWOT chi tiết dưới đây.
3.1. Strengths (Điểm mạnh)
- Tiềm lực mạnh từ tập đoàn mẹ Mondelez International:
Đây là một công ty bánh kẹo, thực phẩm, đồ uống và đồ ăn nhẹ đa quốc gia của Mỹ. Doanh thu hàng năm đạt 26 tỷ đô la và hoạt động tại hơn 160 quốc gia. Nó đứng thứ 108 trong danh sách Fortune 500 năm 2021 về các tập đoàn Hoa Kỳ có tổng doanh thu lớn nhất. Chưa kể, nó còn sở hữu đa dạng các nhãn hiệu trị giá hàng tỷ đô la. Mondelez Kinh Đô ra mắt năm 2015, là sự kết hợp giữa hai thương hiệu hàng đầu ngành bánh kẹo. - Thương hiệu danh tiếng:
Từ năm 1912, Oreo trở thành thương hiệu bánh quy nổi tiếng nhất của Mỹ. Trong suốt từng đó thời gian, Oreo vẫn tồn tại và phát triển thành thương hiệu trị giá 800 triệu USD. Chiến lược cơ bản của Oreo là khơi lại sự phát triển của các thương hiệu cốt lõi – Oreo. - Hoạt động Marketing mạnh mẽ:
Các hoạt động Marketing của Oreo thu hút bởi sự thông minh từ những “chiêu” PR độc đáo. Qua đó, vừa tối ưu chi phí, vừa đảm bảo hiệu quả. Đây cũng chính là điểm độc đáo giúp Oreo in đậm dấu ấn trong lòng khách hàng.
3.2. Weaknesses (Điểm yếu)
- Quảng cáo bị tẩy chay: Bộ phim ngắn cho ra mắt bánh quy cầu vồng mới của Oreo có tựa đề “Proud Parent” liên quan cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, trong nội dung xuất hiện những yếu tố trái chiều gây tranh cãi. Gần 15.000 người đã ký đơn yêu cầu tẩy chay công ty mẹ Mondelēz International của Oreo và các sản phẩm khác của công ty này. Cuộc tranh gay gắt gắt chỉ dịu xuống khi thương hiệu này quyết định “trung lập trong cuộc chiến văn hóa”.
- Gây ô nhiễm môi trường: Theo báo cáo của Break Free From Plastic năm 2021, Mondelez International có mặt trong top 10 doanh nghiệp gây ô nhiễm rác thải nhựa nhiều nhất thế giới.
3.3. Opportunities (Cơ hội)
- Thị trường bánh kẹo nhiều tiềm năng. Mặc dù tốc độ tăng trưởng châm nhưng doanh thu vẫn tăng nhanh. Rơi vào khoảng 40 nghìn tỷ đồng năm 2020. Số lượng bánh kẹo cũng được tiêu thụ ngày càng lớn.
- Ngành FMCG ổn định hơn so với các ngành khác sau dịch Covid.
- Mức độ tăng trưởng doanh thu bán lẻ của Việt Nam đối với các phân khúc hàng hóa và dịch vụ lưu trú & ăn uống ngang mức trước đại dịch.
3.4. Threats (Thách thức)
- Cạnh tranh mạnh mẽ:
Có rất nhiều công ty kinh doanh bánh kẹo trong và ngoài nước ngày càng phát triển. Sự đa dạng và sự thâm nhập mạnh mẽ vào cuộc đua của các thương hiệu khiến Oreo không thể tránh khỏi ảnh hưởng. Chẳng hạn như: Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi, Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina, Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Liwayway Sài Gòn, Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà, Lotte, Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Châu, Bibica,… - Việt Nam chính thức gia nhập AFTA:
Theo nghị định về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt – Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã ký kết. Các sản phẩm bánh kẹo được áp dòng thuế nhập khẩu giảm về 0%. Bởi vậy, các nước đua nhau giành thị phần gay gắt. Đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo không ngừng.
Xem thêm:
- Chiến lược Marketing của Baemin – Thành công từ lối đi riêng
- Chiến lược Marketing của Lay’s nâng tầm trải nghiệm ăn vặt
5. Chiến lược Marketing Mix 4P của Oreo chi tiết nhất
Các chiến dịch Marketing của Oreo luôn mang khiến cả thế giới phải trầm trồ. Bởi hiệu quả mà nó đạt được không hề nhỏ về cả tệp khách hàng tiếp cận cùng sự tiếp nhận thông điệp. Thấu hiểu giá trị thương hiệu cùng tâm lý khách hàng. Đây chính là chìa khóa giúp nó triển khai các ý tưởng ấn tượng.
5.1. Chiến lược về sản phẩm
Oreo là thương hiệu bánh quy hàng đầu được hàng trăm quốc gia ưa chuộng. Tính đến hiện nay, đã có hơn 500 tỷ chiếc bánh quy Oreo được bán. Oreo gây ấn tượng với 2 miếng bánh socola giòn và ở giữa là lớp kem mềm mịn. Tuy nhiên, các sản phẩm mới liên tục được tung ra với hình dáng, hương vị, màu sắc và bao bì khác nhau. Một số dòng sản phẩm Oreo bao gồm: Bánh Oreo Nhí Đôi, Oreo không đường, Bánh Oreo vàng, Fruit Punch, Kẹo mềm Oreo, Jell-O Oreo, Oreo Chocolate Candy Bar,…
5.2. Chiến lược về giá
Ban đầu, giá của các sản phẩm Oreo ở mức thấp hơn nhằm tăng tính cạnh tranh. Đáp ứng được kỳ vọng về giá trị cung cấp cùng mức giá, các sản phẩm đã thành công chiếm lĩnh thị phần. Tuy nhiên, sau đó, khi mức độ phổ biến của Oreo tăng lên, đặc biệt là ở thành thị cũng kéo theo sự gia tăng về giá. Oreo đưa ra chiến lược về giá dựa theo thị trường, nhân khẩu học và mức chi tiêu.
5.3. Chiến lược phân phối
Oreo đã tận dụng mạng lưới phân phối rộng rãi của Mondelez để cung cấp sản phẩm. Mỗi châu lục sẽ có cơ sở sản xuất khác nhau để đáp ứng nhu cầu và sự nhạy cảm của khách hàng. Việc bán hàng thông qua kênh phân phối phù hợp là một phần quan trọng trong chiến lược phân phối hỗn hợp tiếp thị. Tiêu biểu là tại các cửa hàng bán lẻ, tạp hóa, siêu thị, sàn thương mại điện tử,…
Để thống lĩnh toàn cầu, bánh Oreo còn được phân phối tại các hãng khác nhau. Ví dụ như Kraft, McDonald’s và KFC tại Vương quốc Anh, Bắc Ireland, Cadbury India ở Ấn Độ,… Mỗi nước sẽ có những chuyển thể Oreo khác nhau. Từ đó, Oreo trở thành một sản phẩm mà khách hàng địa phương yêu thích.
5.4. Chiến lược xúc tiến
Oreo đã sử dụng hiệu quả đa dạng các phương tiện tiện ích để marketing thương hiệu. Nhắm đến đối tượng là thanh thiếu niên, trẻ em cùng các gia đình. Thương hiệu liên tục có những tương tác trên nền tảng mạng xã hội và truyền hình. Ngoài những chương trình xúc tiến ngoài trời với các post bán hàng, dùng thử. Oreo còn triển khai các chiến dịch, MV, TVC quảng cáo ấn tượng với các thông điệp viral. Chưa kể, thương hiệu cũng không ngần ngại đầu tư Influencer Marketing, ra mắt sản phẩm theo các dịp đặc biệt, các chương trình khuyến mãi,… để tiếp cận số lượng lớn khách hàng.
Quan hệ đối tác Oreo-Cadbury cũng được triển khai nghiêm ngặt. Qua đó, nhằm đảm bảo mối quan hệ lâu dài cũng như giữ chân khách hàng trung thành. Hơn nữa, công ty cũng thường xuyên tham gia và tổ chức các sự kiện khác nhau. Vừa tạo nên sự thay đổi tích cực cho cộng đồng, vừa có thể ghi điểm với khách hàng.
6. Chiến lược Moment Marketing độc đáo bậc nhất
Moment Marketing (Real-time Marketing) được tận dụng hiệu quả nhằm tăng tương tác với khách hàng thông qua sự kiện thực tế vừa diễn ra (moment / real-time). Các thương hiệu phải tận dụng ngay đến vài chục giây quảng cáo trên TV. Đồng thời, phải cùng lúc tập trung vào các mạng xã hội lớn để ghi đậm dấu ấn trong lòng khán giả.
6.1. Oreo và Super Bowl Tweet – Câu chuyện “tắt đèn”
Tại Mỹ, Super Bowl là một trong những chương trình có lượng người xem lớn nhất. Chi phí tăng hơn 4,5 triệu đô cho 30 giây quảng cáo. Vậy Oreo đã tận dụng kênh này một cách đột phá như thế nào? Quá nửa trận đấu, một phần sân vận động New Orleans Superdome và nửa vùng Bắc Mỹ đột ngột mất điện trong vòng 34 phút. Ngay trong lúc mọi người hoang mang, căng thẳng và cần chút ánh sáng, chỉ trong 5 phút, Oreo đã ngay lập tức đưa ra dòng tweet: “Power Out? No problem.” (“Cúp điện à? Không sao hết.”). Cùng với đó là hình ảnh chiếc bánh quy Oreo sáng lên trong bóng tối và lời tựa “You can still dunk in the dark.” (“Bạn vẫn có thể nhúng bánh Oreo vào sữa khi cúp điện cơ mà.”).
Đó chính là Moment Marketing (Real-time Marketing). Nó nhanh chóng trở thành hiện tượng khi thu về hơn 16,000 retweets, hơn 10,000 lượt xem trên Twitter, 18,000 lượt like trên facebook và 5,000 lượt share chỉ trong vòng 1 giờ đầu tiên. Oreo đã thành công thu hút sự chú ý của hơn 500,000,000 lượt xem chỉ với mức chi phí 0 đồng. Nó trở thành quảng cáo hay nhất trong lịch sử Super Bowl. Đồng thời, lọt top chiến dịch và quảng cáo sáng tạo với chi phí thấp trên thế giới. Đây là thương hiệu đầu tiên thu hút 500 triệu lượt xem với phí quảng cáo 0 đồng.
6.2. Chiến dịch 100 ngày twist
Nhân sự kiện kỷ niệm 100 năm sinh nhật, Oreo đã tung ra chiến dịch quảng cáo sáng tạo. Đó là thực hiện chiến dịch 100 ngày twist. Từ xoay bánh (twist), liếm kem và nhúng sữa trong các quảng cáo của Oreo. Mỗi ngày, Oreo sẽ tung ra hình ảnh chiếc bánh được thiết kế theo xu hướng được quan tâm nhất trong ngày. Khách hàng không khỏi háo hức khi chờ đợi hình ảnh trong ngày của Oreo. Sau đó, cố gắng thực hiện, up ảnh và chia sẻ ảnh. Từ đó, không những thu hút mà còn kích thích sự sáng tạo của người tiêu dùng.
Chẳng hạn như ngày 25 tháng 6, 2 chiếc bánh được kẹp với phần kem 7 màu đại diện cho cộng đồng LGBT. Hay ngày 14 tháng 8, hình ảnh của Elvis Presley, hình ảnh về gấu trúc khi chào mừng sự ra đời của gấu trúc Shin-Shin,… Chiến dịch này đã tăng 110% tỉ lệ tương tác của khách hàng và giúp Oreo đạt hơn 5 triệu lượt like.
Xem thêm:
- Chiến lược Marketing của GrabFood – Bước phát triển thần tốc
- Chiến lược Marketing của Nutifood: Giải pháp dinh dưỡng hàng đầu
7. Oreo – Chiến dịch “cá nhân hóa”
“Cá nhân hóa” luôn là yếu tố mà Oreo muốn mang đến nhất cho khách hàng. Từ đó, người dùng có thể trải nghiệm một cách trọn vẹn và hấp dẫn nhất.
7.1 Ra mắt OreoID
Mới đây, Oreo đã cho ra mắt website OreoID. Người hâm mộ có thể thỏa sức thể hiện sự sáng tạo và cá tính của bản thân. Từ đó, nâng tầm trải nghiệm của khách hàng. Chiến lược thông minh này đã đáp ứng nhu cầu của khách hàng hiện nay. Đó là ưu tiên các sản phẩm được cá nhân hóa theo yêu cầu của họ. Theo nghiên cứu của công ty phần mềm 3D Dassault Systemes and CITE Research, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn 25% cho một sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp với nhu cầu. Theo Marketing Epsilon, 80% người phản hồi cho biết họ sẵn sàng hợp tác với những doanh nghiệp triển khai trải nghiệm này.
Thông qua đó, Oreo còn có thể lưu trữ dữ liệu của khách hàng. Từ đó, dễ dàng nghiên cứu và phân tích insights, hành vi tiêu dùng để phục vụ cho các hoạt động marketing. Thay vì tập trung thúc đẩy doanh thu thông qua các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Oreo lại lựa chọn tạo ra các chương trình nâng cao và lan tỏa các giá trị về sản phẩm và thương hiệu.
7.2 Phát triển hương vị mới đậm tính “cá nhân hóa”
Gần đây, các chiến dịch công nghệ số được ứng dụng hiệu quả. Các hương vị mới được tung ra thị trường để tập trung thông điệp đến một bộ phận cụ thể. Từ đó, mở rộng thương hiệu. Điển hình là chiến dịch hưởng ứng cộng đồng LGBT vào tháng 10. Oreo đã tung ra gói bánh Oreo đầu tiên được phủ màu sắc cầu vồng. Tượng trưng cho lá cờ Pride – biểu tượng cho cộng đồng LGBT. Ngoài ra, còn phát hành bộ phim ngắn 3 phút với tựa đề “Proud Parent” gửi gắm đến những bậc cha mẹ có con thuộc cộng đồng LGBT.
Trước khi dịch Covid bùng phát, Oreo đã tổ chức mini game rút thăm trúng thưởng. Người chơi sẽ bình chọn một loại bánh kem lạnh yêu thích. Họ còn phải gắn thẻ hashtag liên quan tới nhãn hiệu. Đồng thời, thể hiện sự yêu thích về sản phẩm đó trên mạng xã hội TikTok. Người tiêu dùng có thể thoải mái tham gia và lan tỏa hương vị mà mình yêu thích. Còn gì tuyệt vời hơn khi Oreo được chính khách hàng quảng bá dựa trên những trải nghiệm riêng của họ.
7.3 #OreoPeople: Khi ăn bánh cũng là cách thể hiện cá tính
Nhận ra đã “bỏ quên” một đối tượng tiềm năng không kém: thế hệ trẻ Việt Nam. Oreo đã lập tức tung ra chiến dịch nhắm đến nhóm khách hàng này. Thương hiệu đã giải quyết tốt được bài toán kết hợp giữa chất tươi sáng, năng động của thế hệ trẻ và giữ nguyên sự gần gũi của gia đình Việt.
Chiến dịch #OreoPeople, tại Việt Nam có tên gọi #ĐộiOreo là campaign đầu tiên sử dụng Brand Ambassador và Sơn Tùng M-TP đã được “chọn mặt gửi vàng”. Campaign kick off với loạt video 6s nhắc lại hình thức ăn bánh Oreo với hơn 5.674.000 lượt view trên Youtube và Facebook, với hơn 5.057 lượt chia sẻ. Sau đó là video ăn bánh độc đáo của anh chàng thu hút hơn 3 triệu lượt view chỉ sau 1 tháng công chiếu với một dance move do chính mình sáng tạo. Từ đó, vừa giữ được tình thần truyền thống, vừa thể hiện sự năng động, trẻ trung. Các KOLs và hot profiles cũng hưởng ứng nhiệt tình với các video tham gia cuộc thi với tổng view lên đến 64.369 lượt.
8. Một số chiến lược Marketing ấn tượng khác của Oreo
Thương hiệu liên tục đưa ra các chiến lược marketing ấn tượng được đầu tư lỹ lưỡng. Có những chiến lược mang giá trị lâu dài. Có những giá trị mang tác động tức thời. Tuy nhiên, tất cả đều góp phần định vị thương hiệu ngày càng vững chắc.
8.1 Câu “thần chú” của Oreo
“Xoay bánh – nếm kem – chấm sữa” là câu nói thường thấy trong mẫu quảng cáo TV của thương hiệu. Mỗi khi có Oreo, người dùng liền “thể hiện cá tính” bằng cách làm theo từng bước hướng dẫn. Không những thú vị mà đây còn là cách để khách hàng cảm nhận rõ nhất hương vị của bánh. Nhắc đến câu “thần chú” này, hình ảnh Oreo sẽ xuất hiện ngay lập tức.
8.2 “Gã khổng lồ” với đa dạng hương vị bánh quy
Theo như dự báo của Mondelez, nhu cầu về sản phẩm đồ ăn nhẹ tăng cao. Đặc biệt là dự trữ thức ăn trong dịch. Do đó, thương hiệu này đã tung ra loạt sản phẩm mới, hương vị mới. Doanh số bán hàng cũng đạt mức khủng khi tăng 4,9% lên 6,67 tỷ đô la trong quý ba. Hiện Oreo cung cấp gần 100 hương vị khác nhau. Chưa kể, còn có rất nhiều sản phẩm “lạ lùng”. Chẳng hạn như Oreo trà chanh, Oreo cánh gà chiên, Oreo Mù tạt,… Sản phẩm này còn mang đậm tính “bản địa hóa” bởi mỗi hương vị sẽ mang đặc trưng của một quốc gia cụ thể. Ví dụ, Oreo trà xanh cho Trung Quốc. Oreo Dừa cho Indonesia. Và Oreo Mù tạt Wasabi cho Nhật Bản. Ngoài ra, còn có một số hương vị được tung ra theo “trend”.
8.3 Phiên bản Oreo – Trò chơi vương quyền
Oreo đã tung ra phiên bản Trò chơi vương quyền để kỷ niệm mùa cuối cùng của loạt phim đình đám trên HBO. Hoặc phiên bản Người Dơi để quảng cáo chung với bom tấn vừa được ra mắt. Nó đã ngay lập tức gây xôn xao dư luận khi nhiều người không khỏi thắc mắc tại sao Oreo trở thành một trong những thương hiệu nổi tiếng nhất trên toàn thế giới chỉ với một loại sản phẩm. Hoặc tại sao một thương hiệu “lâu đời” như vậy lại cho ra mắt các hương vị “lạ hoắc”.
8.4 Oreo và Hiệu ứng bánh đà
Hiệu ứng Bánh đà cụ thể về quá trình xây dựng một thương hiệu vĩ đại. Để mang lại thành công bền vững, cần có những “bước đà” để thúc đẩy phát triển. Chính vì thế, chiếc bánh đà của Oreo được “lên cót” bởi những chương trình quảng cáo chéo. Đồng thời, liên tục tung ra các sản phẩm có “hương vị” lạ. Với chiến lược marketing thông minh và một “bánh đà” hoạt động bền bỉ. Thương hiệu luôn khiến khách hàng hứng khởi và hào hứng chờ đợi.
Theo báo cáo doanh thu năm 2020 của Nielsen, trong một năm nhiều biến cố và sự kiện, Oreo đã tung ra khá nhiều hương vị mới. Điều này đã giúp nó thu về 12% doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của phiên bản “Oreo cổ điển” cũng tăng hơn 22%. Bởi việc so sánh, trải nghiệm các hương vị “lạ” lại thúc đẩy người tiêu dùng quay trở lại với hương vị “cổ điển” mà họ yêu thích nhất. Hay nói rõ hơn, đó là dùng hương vị mới để quảng bá, thúc đẩy trải nghiệm cho hương vị gốc. Ông Justin Parnell, Giám đốc vận hành của Oreo chia sẻ.
8.5 “Đu trend”
Tuy phát triển thương hiệu theo hướng bền vững, Oreo lại không nằm ngoài khi liên tục nắm bắt “trend”. Mang đến một màu sắc mới đầy tinh nghịch và thú vị cho Oreo. Oreo liên tục khiến khách hàng kinh ngạc với những chiến dịch sáng tạo bất ngờ. Không những tương tác, hợp tác tích cực với các thương hiệu khác. Thương hiệu còn luôn theo dõi những biến động để đi đầu, thậm chí sáng tạo ra trend.
Điển hình vào năm 2020, khi NASA cảnh báo về một thiên thạch có khả năng va vào Trái đất. Oreo đã nhanh chóng xây dựng một “hầm tận thế” bằng bê tông ở Na Uy. Nhằm bảo vệ Oreo cũng công thức mang tính biểu tượng. Nơi đây đã nhanh chóng trở thành nơi “check-in” hot. Và Oreo trở thành hiện tượng khiến truyền thông cả thế giới đua nhau săn đón.
Chương trình với Supreme vào năm 2020 đã khẳng định sự nhanh nhạy của Oreo khi hợp tác với các thương hiệu khác. Người tiêu dùng không khỏi phấn khích khi đặt trước sản phẩm phiên bản Oreo Supreme với giá 10.000 USD trên Ebay. Để giữ vững thị phần trong đại dịch, Oreo đã tung ra 2 chương trình #AtHomewithOreo và #MakeWayforPlay. Qua đó, khuyến khích người dùng đón nhận những chính sách “bình thường mới”. Đồng thời, khẳng định niềm vui và Oreo vẫn luôn bên cạnh bạn.
9. Bài học rút ra từ các chiến dịch Marketing của Oreo
Để sống sót, phát triển và định vị thương hiệu ấn tượng trên thị trường hay gắt này là điều không hề dễ dàng. Do đó, nhằm tăng tính cạnh tranh, Oreo luôn có định hướng riêng trong chiến lược quảng bá của mình. Dưới đây là 4 bài học được rút ra từ câu chuyện tạo nên sự thành công đậm chất khác biệt cho Oreo.
9.1 Cập nhật nhanh nhạy từng giây
“Newsjacking” và “Culture-jacking” đã được ứng dụng hiệu quả trong các chiến dịch của Oreo tại Super Bowl và 100 ngày twist. “Newsjacking” tập trung đến việc cập nhật và lồng ý tưởng marketing vào các câu chuyện tin tức hằng ngày. Còn “culture-jacking” lại tập trung vào các sự kiện nổi bật trong ngày. Sự thành công của 2 chiến dịch này đã khẳng định khả năng và hiệu quả ấn tượng khi liên tục cập nhật và nhanh nhạy từng giây.
Chẳng hạn như Oreo công bố phiên bản đặc biệt Oreo với kem màu xanh để quảng bá cho phim hoạt hình “Rio 2011”; Cho ra mắt bánh màu đỏ, trắng và xanh để kỷ niệm Ngày Bastille; Hình ảnh chiếc bánh quy Oreo với vết cắn lởm chởm để quảng cáo trong Tuần lễ cá mập trên kênh Discovery,…
Đúng lúc, đúng chỗ chính là chìa khóa giúp Oreo nâng tầm thương hiệu vượt trội. Đội ngũ quảng bá của Oreo cũng không ngừng “bắt trend” nhanh chóng. Từ đó, đảm bảo khả năng thu hút và hiệu quả cao nhất. Đặc biệt khi Oreo liên tục trở thành người đầu tiên đón đầu làn sóng thông tin. Do đó, hãy thường xuyên cập nhật và nhạy bén thông tin.
9.2 Xây dựng nền tảng mạng xã hội vững chắc
Chiến lược marketing của Oreo luôn gắn liền với các nền tảng mạng xã hội. Xu hướng quảng bá không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Nó đã giúp Oreo đạt được không ít thành công trong sự nghiệp phát triển của mình. Chưa kể, đội ngũ Marketing của thương hiệu cũng đầu tư “chăm sóc” tốt kênh của mình. Nhờ đăng tải lên mạng cùng lượng theo dõi ổn định trên các kênh, quảng cáo tại sân Super Bowl mới tiếp cận được đến 500 triệu người xem.
Hiện Oreo còn là một tên tuổi nổi danh trên các mạng xã hội. Thương hiệu này sở hữu 32 triệu lượt like Facebook, 82 nghìn lượt follow Twitter, 87 nghìn lượt theo dõi Instagram và 14 triệu lượt theo dõi YouTube. Trước và trong chương trình Super Bowl, Oreo đã tạo dựng nền tảng vững chắc với khoảng 5000 tweet. Và được đăng tải từ 3 đến 4 lần/ngày nhằm khơi nguồn thảo luận. Còn 100 ngày twist của Oreo đã hình thành thói quen theo dõi và liên tục cập nhật thông tin hàng ngày. Do đó, ngoài việc tận dụng đa dạng các nền tảng. Cần phải thường xuyên cập nhật, duy trì tương tác để đảm bảo khả năng lan tỏa vững chắc.
9.3 Hình ảnh, nội dung đơn giản
Đơn giản, dễ hiểu là những điều dễ dàng thấy trong các chiến dịch Marketing của Oreo. Vừa tối ưu chi phí, vừa đảm bảo khả năng truyền tải hiệu quả. Đây cũng chính là một trong những thành công tạo nên sự khác biệt và độc đáo của Oreo.
Các khẩu hiệu, hình ảnh đơn giản, ngắn gọn. Nhưng vẫn đủ sức lôi cuốn và tinh tế thể hiện giá trị của thương hiệu. Vừa dễ hiểu lại có thể share dễ dàng. Chẳng hạn, trong chiến dịch 100 ngày twist, đội ngũ của Oreo đã thiết kế 100 hình ảnh bánh quy khác nhau. Tuy nhiên, lại thể hiện sự sáng tạo khi liên quan đến các hoạt động hàng ngày.
9.4 Lồng ghép các yếu tố hài hước, dí dỏm
Với đối tượng khách hàng nhắm đến chủ yếu là trẻ em. Để thu hút, các chiến lược marketing của Oreo luôn thể hiện tính hài hước trong quảng cáo của mình. Các hình ảnh vui nhộn, đáng yêu cùng ngôn từ dí dỏm khiến người xem không khỏi thu hút. Đặc biệt là sức lan tỏa của nó vô cùng ấn tượng. Bởi vậy, người tiêu dùng ngày càng có thiện cảm với thương hiệu này.
10. Tạm kết
Chiến dịch Marketing của Oreo là case study không thể bỏ qua với mỗi doanh nghiệp. Xây dựng định vị thương hiệu thành công trong hơn 100 năm không phải điều dễ dàng. Tuy nhiên, “bậc thầy thao túng tâm lý” Oreo đã khiến cả thế giới phải trầm trồ khi bổ sung nên những “gia vị” hấp dẫn với từng phân khúc khách hàng. Chưa kể, các chiến thuật cũng vô cùng đa dạng, đúng đối tượng, đúng thời điểm. Bởi vậy, trong suốt từng ấy năm, Oreo vẫn là thương hiệu bánh được yêu thích nhất với lượng tiêu thụ khổng lồ. Nhà Hàng Số, trang thông tin hữu ích và uy tín với những cập nhật mới nhất tại chuyên mục case study.