Chiến lược kinh doanh của Acecook thành công khi luôn đặt quyền lợi người tiêu dùng và sự tự hào về hương vị Việt lên hàng đầu
Acecook là công ty thực phẩm ăn liền hàng đầu tại Việt Nam. Hơn 30 năm, vị thế đó ngày càng được củng cố. Và chiến lược kinh doanh của Acecook đã đóng góp một phần không nhỏ cho thành công đó. Phục vụ người tiêu dùng bằng tất cả trách nhiệm và nhiệt huyết là yếu tố thôi thúc Acecook không ngừng nỗ lực. Đồng thời, mang đến những bước đi đầy tự tin và vị thế trên thị trường Việt Nam và quốc tế. Cùng Nhà Hàng Số khám phá ngay.
Nội dung
1. Tổng quan thị trường mì gói
Dư địa ngày càng mở rộng của ngành mì ăn liền chính là cơ hội tiềm năng để Acecook tự tin chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
1.1 Thị trường mì gói toàn cầu
Theo thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA), doanh thu mì gói toàn cầu đạt 45,67 tỷ USD năm 2020. Dự đoán năm 2026 sẽ tăng gấp đôi là 73.55 tỷ USD. Nhu cầu sử dụng sản phẩm này đã tăng 14,79% vào năm 2020. Tăng trưởng gấp 4 lần so với năm 2019 (3.45%). Mức tăng trưởng mạnh mẽ dự báo doanh thu trung bình hàng năm sẽ đạt 6%/năm. Theo thống kê của WINA, thị trường châu Á có lượng tiêu thụ mì gói lớn nhất. Trong đó, Đông Bắc Á chiếm 56,45% và Đông Nam Á chiếm 25,24% tổng tiêu thụ toàn cầu năm 2020.
1.2 Thị trường mì gói Việt Nam
Trong năm 2021 người Việt Nam đã tiêu thụ 8.5 tỷ gói mì, tăng 22%. Theo WINA, Việt Nam hiện đứng thứ 3 về sản lượng tiêu thụ mì gói với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Chỉ sau Trung Quốc và Indonesia. Vị thế của Việt Nam càng được củng cố khi vượt Hàn Quốc để trở thành thị trường tiêu thụ mì ăn liền tính trên đầu người cao nhất thế giới. Trung bình, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 87 gói mì mỗi năm. Tăng gấp 1.6 lần so với năm 2019. Hiện trong nước có khoảng 50 công ty sản xuất mì gói tại Việt Nam. Trong đó, 3 ông lớn là Acecook, Masan Consumer và Asia Food chiếm phần lớn thị phần. Chiếm gần 88% về sản lượng và 84% doanh thu thị trường mì ăn liền trong 9 tháng đầu năm 2020.
Acecook chiếm thị phần nhiều nhất với mỳ quốc dân “Hảo Hảo”. Thứ hai là Masan Consumer với Omachi và Kokomi. Đứng thứ ba là Asia Food với Gấu đỏ. Ngoài ra còn có một số thương hiệu như Uniben (thương hiệu mì 3 Miền), Vifon, Paldo Vina, Nongshim,…
2. Tổng quan về Acecook
Acecook được mệnh danh là thương hiệu “mỳ quốc dân” khi mang đến những sản phẩm in đậm dấu ấn hàng bao thế hệ.
2.1 Đôi nét về Acecook
Acecook Nhật Bản là tập đoàn đa quốc gia chuyên sản xuất mì gói, gia vị, thực phẩm. Năm 1993, Acecook Nhật Bản đầu tư thành lập công ty Cổ phần Acecook Việt Nam. Sau hành trình gần 30 năm phát triển, Acecook đã thâu tóm phần lớn thị phần mì ăn liền Việt Nam. Có thời điểm chiếm đến 50% thị phần. Tuy nhiên, do sự xuất hiện của một số đối thủ, Acecook ước tính chỉ còn khoảng ⅓ thị phần tiêu thụ mì gói trong nước cuối năm 2021.
Thế nhưng, doanh thu của Acecook vẫn dẫn đầu và có xu hướng tăng. Từ 2019, doanh thu tăng từ 10.000 tỷ lên 12.200 tỷ vào năm 2021. Tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt khoảng 7,3%/năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 11.4% (2021). Chưa kể, Acecook hiện có 11 nhà máy quy mô lớn khắp cả nước. Các sản phẩm của thương hiệu Acecook chất lượng cao được sản xuất theo công nghệ Nhật Bản tiên tiến. Nó đã có mặt khắp 63 tỉnh thành và được xuất khẩu sang khoảng 40 quốc gia. Với mục tiêu trở thành Tập đoàn thực phẩm hàng đầu, Acecook không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm. Do đó, đạt được rất nhiều thành tựu như: Hàng Việt Nam chất lượng cao, Giải thưởng sao vàng đất Việt, Huân chương lao động hạng và hiện đang trở thành thành viên của hiệp hội mì thế giới.
2.2 Triết lý kinh doanh
Acecook Việt Nam sẽ thông qua con đường ẩm thực để cống hiến cho xã hội Việt Nam.
2.3 Tầm nhìn và sứ mệnh
Acecook Việt Nam muốn trở thành “doanh nghiệp sản xuất thực phẩm hàng đầu Việt Nam có đủ năng lực quản trị để thích ứng với quá trình toàn cầu hóa”. Đồng thời, thực hiện sứ mệnh “cung cấp sản phẩm/dịch vụ chất lượng cao, mang đến SỨC KHỎE – AN TOÀN – AN TÂM cho Khách hàng”…
Xem thêm:
- Chiến lược Point of life của Masan làm nên bước ngoặt lịch sử
- Chiến lược marketing của Oreo – Bậc thầy thao túng tâm lý
3. Mô hình SWOT của Acecook
Mô hình SWOT là nền tảng để Acecook hoạch định những chiến lược kinh doanh đúng đắn và hiệu quả.
3.1 Điểm mạnh (Strength)
- Acecook là thương hiệu có độ phủ sóng rộng và ưa chuộng ngay từ những năm đầu.
- Hương vị thơm ngon phù hợp với đa số khẩu vị người Việt Nam.
- Tiện lợi, linh hoạt và dễ sử dụng.
- Công nghệ sản xuất tiên tiến, đạt chuẩn quốc tế.
- Thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi với giá trị lớn, thu hút lượng lớn người tham gia.
- Giá thành phải chăng, phù hợp với khả năng chi trả của người tiêu dùng.
3.2 Điểm yếu (Weakness)
- Một số phân khúc sản phẩm chưa có sự khác biệt đủ để thu hút và cạnh tranh.
- Thiết kế bao bì chưa ấn tượng và không được đầu tư quá nhiều.
3.3 Cơ hội (Opportunity)
- Thị trường mì ăn liền tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ với quy mô mở rộng.
- Nhu cầu sử dụng và lượng người tiêu dùng ngày càng lớn.
- Cơ hội tăng trưởng và mạng lưới phân phối sản phẩm mì ăn liền ra ngoài thế giới ngày càng mở rộng.
3.4 Thách thức (Threat)
- Xu thế bão hòa thị trường mì ăn liền đẩy mạnh tính cạnh tranh. Tạo ra thách thức và yêu cầu lớn về sự đổi mới sản phẩm trong tương lai.
- Với một sản phẩm ăn liền như mì tôm xảy ra rất nhiều tranh cãi về độ an vệ sinh thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, thông điệp về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng lại chưa được Acecook đẩy mạnh.
- Phải thường xuyên sử dụng và chi trả chi phí lớn cho các phương tiện truyền thông, hình thức quảng cáo mới để giành thị phần như giảm giá hoặc khuyến mãi,…
Xem thêm: Chiến lược Marketing của Lay’s nâng tầm trải nghiệm ăn vặt
4. Các chiến lược kinh doanh của Acecook
Sau gần 30 năm hoạt động, Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Đồng thời, trở thành công ty thực phẩm tổng hợp hàng đầu tại Việt Nam với vị thế vững chắc trên thị trường. Chuyên cung cấp các sản phẩm ăn liền chất lượng, giá thành rẻ. Đồng thời, còn có hệ thống phân phối mạnh mẽ và các hoạt động xúc tiến hiệu quả. Acecook sở hữu lượng khách hàng lớn với doanh thu và lợi nhuận ổn định. Đằng sau những thành tựu lớn ấy là rất nhiều công sức, nỗ lực cũng như chiến lược kinh doanh hiệu quả của Acecook.
Trước sức ép và cạnh tranh gay gắt từ thị phần. Đặc biệt là xu thế bão hòa trong tiêu thụ mì gói. Nó buộc Acecook Việt Nam phải định hướng lại bài toán chiến lược. Từ đó, có thể giữ vững vị thế và thị phần.
4.1 Chiến lược về kinh doanh các sản phẩm
-
Định hướng phát triển sản phẩm
Acecook trở thành thương hiệu mì quốc dân ở Việt Nam, gắn liền với thế hệ tuổi thơ của rất nhiều người. Đặc biệt phải nhắc đến cái tên Hảo Hảo. Một sản phẩm trở thành một biểu tượng quen thuộc cho các loại mì tôm tại Việt Nam. Nó có lượng tiêu thụ nhiều nhất Việt Nam trong 18 năm liên tiếp (từ năm 2000 đến năm 2018) với gần 20 tỷ gói mì đến với người tiêu dùng. Đồng thời, là một trong 04 thương hiệu mì gói lọt top 10 thương hiệu thực phẩm được bình chọn nhiều nhất tại nông thôn và là thương hiệu mì gói duy nhất được người tiêu dùng thành thị bình chọn.
Chiến lược kinh doanh của Acecook về sản phẩm không chỉ giới hạn ở mì gói. Thương hiệu còn phát triển rất nhiều sản phẩm ăn liền khác. Bao bì cũng đa dạng với túi, ly, tô. Người dùng hoàn toàn có thể thưởng thức mì tôm ở mọi nơi, mọi lúc một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất. Từ đó, đáp ứng nhịp sống ngày càng hối hả và nhu cầu tiêu dùng nhanh của con người. Ngoài ra, còn có muối chấm Hảo Hảo, Mì Doraemon, Hảo Hảo mini handy, snack mì Nà Ní,… Các sản phẩm đều phải đạt chuẩn quy trình kiểm soát và an toàn vệ sinh chuẩn quốc tế. Chúng đều đạt chứng nhận ISO 9001 không chứa chất gây hại cho sức khỏe, thân thiện môi trường.
-
Đa dạng các sản phẩm
Mì gói: Mì Hảo Hảo, Thế Giới Mì, Mì Doraemon, Mì Đệ Nhất, Mì Siukay, Mì Udon Sưki Sưki, Mì Mikochi, Mì Bốn Phương, Mì không chiên block, Mì Spaghetti Bistro Good, Mì Hảo 100, Mì Số Đỏ, Mì nấu Maxkay.
Phở – hủ tiếu – bún: Hủ tiếu khô nhịp sống Nam Vang, Phở Xưa & Nay, Đệ nhất phở, Phở trộn Đệ nhất, Hủ tiếu Nhịp Sống, Phở Khô Xưa & Nay, Bún Hằng Nga, Phở Xưa & Nay
Miến: Miến Trộn Phú Hương, Miến Phú Hương Yến Tiệc, Miến Phú Hương.
4.2 Chiến lược kinh doanh về giá
Chiến lược giá là yếu tố quan trọng quyết định đến khả năng mua hàng. Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận. Do đó, nếu thương hiệu mang đến mức giá phải chăng sẽ làm tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Trong chiến lược kinh doanh của Acecook đã áp dụng định giá sản phẩm thâm nhập thị trường. Các đối thủ cạnh tranh như Vifon, Masan, Asiafood,… cũng có mức giá cạnh tranh. Do đó, Acecook đã áp dụng hiệu quả chiến lược này để giữ vững thị phần số 1 của mình.
Trong lần chào đầu tiên, Acecook sẽ thu hút mạnh mẽ với mức giá thấp hơn so với thị trường trong lần chào bán đầu tiên. Từ đó, có thể lôi kéo, thu hút khách hàng dùng thử. Thậm chí là khách hàng từ đối thủ cạnh tranh. Đồng thời, mong muốn giữ chân họ nếu mức giá tăng bình thường trở lại. Các sản phẩm của Acecook được mọi đối tượng khách hàng ưa chuộng. Do đó, để đảm bảo mức tiếp cận chung, mức giá sản phẩm thường rẻ hơn so với các thương hiệu khác. Tuy nhiên, gần đây, để phân khúc khách hàng, Acecook đã bắt đầu nhắm tới phân khúc cao hơn. Mở màn là mì Spaghetti Bistro (từ 12.000 đồng – 21.000 đồng).
4.3 Chiến lược kinh doanh qua hệ thống phân phối
Để tăng doanh số hiệu quả và ổn định trong một thời gian dài, Acecook đã đưa ra chiến lược phân phối ấn tượng. Hệ thống phân phối được xây dựng dựa trên việc xác định đúng hướng đi, đúng thời điểm và đúng khách hàng mục tiêu. Hiện Acecook đã có hơn 11 nhà máy hoạt động theo hệ thống khép kín với dây chuyền tự động. Tất cả đều được kiểm soát khắt khe. Từ đó, nhằm đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm quốc tế.
Hệ thống phân phối vững mạnh và sâu rộng sẽ đảm bảo khả năng tiếp cận và định vị thương hiệu tốt. Các sản phẩm của Acecook có mặt khắp các cửa hàng bán lẻ, đại lý, siêu thị lớn nhỏ ở hầu hết các tỉnh thành. Mỗi tỉnh, thành phố đều có một văn phòng chi nhánh để đảm bảo quy trình phân phối tốt nhất. Ngoài hơn 700 đại lý cấp 1, Acecook cũng đẩy mạnh xuất khẩu đến hơn 46 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhờ độ phủ lên đến 95% điểm bán lẻ cả nước, mức độ nhận diện sản phẩm tăng từ 80 – 100%. Chưa kể, các sản phẩm hiện còn có mặt trên các sàn thương mại điện tử và ứng dụng giao hàng. Đặc biệt, hiện nay còn bán lẻ mì ly dưới dạng buffet. Khách hàng có thể tìm thấy dễ dàng trong các trung tâm mua sắm.
4.4 Chiến lược kinh doanh về xúc tiến hỗn hợp
-
Hoạt động quảng cáo
Acecook không tập trung đầu tư quá nhiều vào các hoạt động quảng cáo, truyền thông. Tuy nhiên, để giữ vững thị phần và tăng khả năng định vị. Các chiến lược xúc tiến mà Acecook triển khai đều đã đạt được những hiệu quả nhất định. Trước hết, thương hiệu đã tận dụng rất nhiều nền tảng khác nhau để quảng cáo sản phẩm. Điển hình là kênh truyền hình với số lượng người xem đông đảo. Một số kênh như HTV7, HTV9, radio,… Ngoài ra, còn quảng cáo bằng các áp phích trên đường phố, website. Hoặc trên các nền tảng truyền thông với những TVC phổ biến. Đó là: Niềm vui sẵn sàng trong ly Handy Hảo Hảo, Phở Đệ Nhất – Ngon như phở quán, ngày mới đã, Cùng Modern,…’
Trong đó, chiến dịch “Từ Việt Nam ra thế giới” kết hợp với đội tuyển U23 Việt Nam năm 2018 đã gây ấn tượng mạnh mẽ. Acecook đã khôn ngoan khi nhanh chóng chớp lấy thời điểm nhạy cảm. Đó là năm lịch sử bóng đá Việt Nam khi vươn tầm châu lục với những thành tích ngoạn mục. 6 TVC quảng cáo liên tục được tung ra với tên gọi “Từ Việt Nam ra thế giới” từ giữa năm 2018 đến đầu năm 2019. Chưa kể, trên bao bì còn in hình các cầu thủ bóng đá. Việc khơi gợi niềm tự hào và lòng tự tôn dân tộc của mỗi người dân Việt Nam đã giúp hình ảnh thương hiệu được lan tỏa một cách đẹp nhất và tự hào nhất.
-
Các chương trình khuyến mãi
Acecook được biết đến là thương hiệu “chịu chi” cho các chương trình khuyến mãi. Phần thưởng có giá trị lớn với rất nhiều giải khác nhau. Chẳng hạn như giá trị thẻ cào, xe máy, xe ô tô, TV, vàng,… Từ đó, tăng cơ hội trúng giải khiến người tiêu dùng không thể không thử vận may. Một số sản phẩm được áp dụng các chương trình khuyến mãi bao gồm: Mì ly ăn liền Handy Hảo, Hảo Vị Tôm Chua Cay, Mì ly Modern Hương Vị Lẩu Thái Tôm, Mì ly cay Ăn Liền Cay Kay Hương Vị Bò, Mì ăn liền Nhớ Mãi Mãi Hương Vị Lẩu Thái.
Bao bì các sản phẩm được thiết kế là hình ảnh cầu thủ của đội U23 Việt Nam đầy ấn tượng. Tổng trị giá giải thưởng của chương trình lên đến gần 3,9 tỷ đồng. Trong đó, 15 giải nhất là Phiếu quà tặng trọn chuyến du lịch bất kỳ với tổng trị giá 100.000.000 VNĐ kết hợp với Công ty TNHH Một Thành Viên Dịch Vụ Lữ Hành Saigontourist tổ chức. 30 giải nhì là Xe moto Suzuki GSX – R150. Và 1500 giải ba là Thẻ cào điện thoại trị giá 100.000VNĐ.
-
Các hoạt động xã hội
Tết đến thường là dịp mà Acecook đẩy mạnh được các hoạt động xã hội. Điển hình như chương trình “Tết sum vầy”. Công ty đã phối hợp cùng Báo Thanh Niên và Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM để tổ chức chương trình Chuyến xe Tết sum vầy. Qua đó, hỗ trợ 2.500 vé xe miễn phí cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ TP. Hồ Chí Minh trở về quê ăn tết. Trong vòng 5 năm qua, Acecook còn tổ chức chương trình học bổng. Số lượng sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với thành tích học tập tốt nhận học bổng Acecook đã lên đến con số 560. Phần quà giá trị này đã tiếp thêm động lực cho rất nhiều hoàn cảnh ở các ngành học và độ tuổi khác nhau. Hoặc đồng hành cũng quỹ bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, các chương trình thiện nguyện hay giải trí,…
Chiến lược kinh doanh của Acecook đã rất thành công khi lấy khách hàng làm trọng tâm. Từ đó, mang đến cơ hội tiếp cận cho mọi đối tượng khách hàng với sản phẩm chất lượng cao, mức giá phải chăng cùng các hoạt động khuyến mãi, quảng cáo hấp dẫn. Đồng thời, nâng tầm hình ảnh thương hiệu khi liên tục có những hoạt động thể hiện trách nhiệm với xã hội.
5. Yếu tố làm nên thành công cho chiến lược kinh doanh của Acecook Việt Nam
Cùng tìm hiểu ngay những yếu tố làm nên thành công cho chiến lược kinh doanh của Acecook. Đây đều là những giá trị mang tính cốt lõi để hoạch định nên hướng đi chắc chắn nhất.
5.1 Chiến lược sản phẩm khác biệt
Thị trường mở cửa, người tiêu dùng Việt bắt đầu làm quen và ưa chuộng các sản phẩm văn hóa ngoại quốc. Tuy nhiên, Acecook lại đi theo một hướng khác với chiến lược kinh doanh độc đáo. Đó là mang văn hóa mì ăn liền từ Nhật Bản tới Việt Nam. Tuy nhiên, không dùng công thức và hương vị nước ngoài đó để thu hút người tiêu dùng. Thay vào đó, Acecook lựa chọn thích nghi với văn hóa bản địa. Đồng thời, chinh phục khẩu vị của người Việt bằng chính hương vị Việt.
Mì sợi phở là sản phẩm được bán ra đầu tiên. Kế tiếp là mì Hảo Hảo tôm chua cay lấy cảm hứng từ món canh chua. Acecook hàng năm đều không ngừng nghiên cứu và phát triển. Chưa kể, Việt Nam còn là đất nước nổi tiếng với các món ăn chế biến từ gạo, đặc biệt là phở. 30 nhãn hàng từ mì, phở, bún, hủ tiếu… Mỗi sản phẩm đều là kết tinh sáng tạo nguồn nguyên liệu nội địa. Có thể nói, thành công nhất chính là có được lòng tin yêu của khách hàng. Đặc biệt là làm nên những sản phẩm chứa đựng văn hóa và bản sắc Việt Nam.
5.2 Hướng đến sự phát triển chung
Acecook luôn hoạt động dựa trên giá trị cốt lõi là 3 chữ Happy. Đó là Happy Customers, Happy Employees, Happy Society. Từ những ngày đầu gia nhập, Acecook luôn chủ động tạo ra các thay đổi tích cực cho ngành công nghiệp chế biến mỳ ăn liền tại Việt Nam. Tất cả đều phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo chất lượng với kỹ thuật công nghệ hiện đại. Từ đó, quy trình kinh doanh và văn hóa được dung hòa. Vừa tạo nên được những sản phẩm đậm bản sắc Việt. Vừa mang chất lượng an toàn với quy trình chuẩn Nhật.
Không những nâng cao giá trị ngành hàng, mang đến các sản phẩm đảm bảo nhất cho người tiêu dùng. Thương hiệu còn đóng góp cho nền kinh tế nói chung. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho hơn 6.000 lao động. Các hoạt động thể hiện trách nhiệm với xã hội cũng luôn được doanh nghiệp chú trọng và quan tâm thực hiện.
5.3 Kiên định với tầm nhìn và xu hướng phát triển
Có thể nói, để phát triển và ngày càng vững mạnh trong suốt một hành trình dài, Acecook vẫn luôn chứng tỏ tầm nhìn chiến lược dài hạn của mình. Đặc biệt là hướng đến sự phát triển chung cho toàn xã hội. Đó là “Hỗ trợ toàn diện cho sức khỏe người tiêu dùng”. Bởi vậy, bằng sự nỗ lực và nghiên cứu không ngừng, Acecook đã phát triển nên những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Đồng thời, tạo ra nhiều xu hướng, đa dạng cách sử dụng. Đặc biệt là cần cân bằng dinh dưỡng. Vì những sản phẩm ăn liền như mì tôm thường không được khuyến khích sử dụng.
Từ đó, giá trị ngành hàng cũng không ngừng được mở rộng và gia tăng. Song song đó, Acecook vẫn tích cực tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng về dinh dưỡng, thể thao, sức khỏe… Không những vậy, Acecook còn thực hiện chuyển đổi số, số hóa với gian hàng thực tế ảo 3D.
5.4. Trạm Mì Acecook – Nơi trải nghiệm vị lạ món quen chính
Trạm Mì Acecook là cửa hàng bán các món ăn “lạ mà quen”. Quen ở đây là việc sử dụng nguyên liệu chính là sợi mì trong các gói mì quen thuộc của Acecook. Tuy nhiên, nó sẽ được chế biến công phu, cầu kỳ và sáng tạo. Qua đó, mang đến những tô mì thơm ngon và độc đáo. Nó được chế biến phù hợp với cả người ăn chay và ăn mặn. Mức giá dao động từ 38.000 đồng đến 69.000 đồng. Ngoài ra, cửa hàng còn có một số lựa chọn combo món ăn và thức uống. Hiện nay, ngoài cửa hàng, Trạm Mì Acecook đã có mặt trên ShopeeFood và Baemin nhằm tiếp cận lượng khách hàng lớn.
6. Tạm kết
Một trong những chìa khóa quan trọng giúp công ty luôn dẫn đầu thị trường mì ăn liền chính là những chiến lược kinh doanh dài hạn của Acecook. Đồng thời, không ngừng định vị thương hiệu ngày càng ăn sâu vào tiềm thức của khách hàng. Hàng ngàn thế hệ qua đều không hề xa lạ với các sản phẩm của Acecook. Đặc biệt là “mỳ tôm quốc dân” – Hảo Hảo. Nhà Hàng Số, trang thông tin hữu ích và uy tín với những cập nhật mới nhất tại chuyên mục case study.