Liệu mô hình kinh doanh nhượng quyền cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam có thể phát triển mạnh trong vài năm tới?
Cửa hàng tiện lợi đã và vẫn đang là mô hình kinh doanh hot hit thu hút các nhà đầu tư hiện nay. Nếu bạn đang có ý định thử sức nhượng quyền kinh doanh cửa hàng tiện lợi nhưng chưa nắm rõ điều kiện và bảng giá cụ thể. Hãy cùng Nhà Hàng Số nghiên cứu tất tần tật về nhượng quyền cửa hàng tiện lợi trong bài viết này nhé.
Nội dung
- 1. Nhượng quyền cửa hàng tiện lợi phát triển tại Việt Nam
- 2. Đặc điểm của mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi
- 3. Điều kiện nhượng quyền cửa hàng tiện lợi
- 4. Nên tự mở cửa hàng tiện lợi hay nhượng quyền?
- 5. Giá nhượng quyền cửa hàng tiện lợi
- 6. TOP cửa hàng tiện lợi đang thống lĩnh thị trường Việt Nam
- 7. Lời kết
1. Nhượng quyền cửa hàng tiện lợi phát triển tại Việt Nam
Việt Nam được đánh giá là một trong 3 thị trường bán lẻ sôi động nhất tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (chỉ sau Indonesia và Trung Quốc). Tốc độ tăng trưởng gần 12%/năm.
Theo một số khảo sát được Nielsen công bố, sở dĩ phân khúc cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh do người dùng Việt Nam đang có sự điều chỉnh mạnh về yếu tố tiện lợi được đặt lên hàng đầu. Thời gian vừa qua, các cửa hàng tiện lợi mọc lên như nấm. Trong đó, nhiều nhất là tại 2 thành phố lớn là Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Số lượng cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam tính từ 2019 – 2022
Đánh giá về tiềm năng thị trường Việt Nam, ông Yun Ju Yong – Giám đốc điều hành GS25 Việt Nam cho biết, hiện tốc độ phát triển kinh tế tại Việt Nam đang dẫn đầu các nước ASEAN. Do đó, dư địa thị trường cho việc nhượng quyền cửa hàng tiện lợi là khá lớn. Cơ hội mà nó đem lại cho chủ đầu tư lớn gấp 30 lần so với Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam có chính sách mở cửa, đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của nước ngoài khi đầu tư kinh doanh.
Theo bà Nguyễn Phi Vân – Chủ tịch Tổ chức Retail & Franchise Asia đánh giá, hiện nay hơn 90% mô hình nhượng quyền ở Việt Nam được vận hành theo cách truyền thống. Để không bị đào thải, các doanh nghiệp cần phải chuyển đổi cách vận hành theo ứng dụng công nghệ số.
2. Đặc điểm của mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi
Để biết mô hình kinh doanh nhượng quyền có thực sự phù hợp với bản thân hay không, thì trước hết bạn cần nắm rõ một số đặc điểm sau về hình thức kinh doanh cửa hàng tiện lợi:
- Sản phẩm đa dạng: Một cửa hàng tiện lợi không yêu cầu diện tích quá lớn. Tuy nhiên, vẫn cần cung cấp đầy đủ các mặt hàng cần thiết đến khách hàng như: thực phẩm, nông sản, nước uống, trái cây,…
- Mở rộng điểm bán: Một chuỗi tiện lợi cần không ngừng phát triển thêm hệ thống bán hàng. Vị trí đắc địa nhất đối với một cửa hàng tiện lợi là nơi tập trung đông đúc dân cư như: trường học, chợ,…
- Thời gian hoạt động: Ưu điểm lớn nhất giúp các chuỗi cửa hàng tiện lợi thu hút khách hàng là phục vụ 24/24. Vào thời điểm mà cửa hàng tiện lợi chưa ra đời, thật khó nếu bạn cần mua nhu yếu phẩm vào ban đêm. Nhưng giờ đây mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, vì bạn có thể mua bất cứ thứ gì vào bất cứ thời điểm nào tại các cửa hàng tiện lợi.
- Ứng dụng công nghệ vào hỗ trợ khách hàng: Ứng dụng công nghệ hiện đại ra đời cùng những phần mềm thông minh giúp khách hàng tiết kiệm thời gian vô cùng hiệu quả vào việc: quét mã vạch, in hóa đơn,… Đây cũng là một điểm mạnh giúp cửa hàng tiện lợi được yêu thích hơn các loại hình mua bán truyền thống.
Không gian cửa hàng tiện lợi
3. Điều kiện nhượng quyền cửa hàng tiện lợi
Mô hình kinh doanh nào cũng yêu cầu thêm những điều kiện đi kèm và kinh doanh nhượng quyền cửa hàng tiện lợi cũng vậy. Có những điều kiện rõ ràng được áp dụng với bên nhượng quyền và bên nhận quyền mà Nhà Hàng Số đã tổng hợp dưới đây:
- Hệ thống kinh doanh được dùng để nhượng quyền cần phải có thời gian hoạt động ít nhất là 1 năm.
- Thương hiệu đã đăng ký hoạt động với những cơ quan chức năng có thẩm quyền
- Không kinh doanh hàng hóa vi phạm pháp luật
- Bên nhận nhượng quyền cần đáp ứng đầy đủ những điều kiện mà bên nhượng quyền đưa ra bao gồm: mặt bằng ở vị trí đông dân cư, cần đủ chi phí sử dụng thương hiệu và tài chính để nhập hàng hóa, thuê mặt bằng, nhân viên,…
4. Nên tự mở cửa hàng tiện lợi hay nhượng quyền?
Nhiều nhà khởi nghiệp trẻ phân vân giữa việc tự mở một cửa hàng tiện lợi hay lựa chọn mua nhượng quyền thương hiệu. Trong kinh doanh, chỉ một bước đi sai lầm có thể khiến bạn mất trắng. Do đó lựa chọn đúng đắn ngay từ ban đầu sẽ là bước đệm để bạn phát triển trên chặng đường sau này.
4.1. Nhượng quyền kinh doanh là gì?
Bạn không thể lựa chọn bất kỳ phương án nào nếu không hiểu cách vận hành của nó. Vậy thế nào được gọi là nhượng quyền kinh doanh?
Nhượng quyền kinh doanh là việc một cá nhân, tổ chức kinh doanh một sản phẩm, mô hình kinh doanh, cách thức kinh doanh và cho phép một cá nhân, tổ chức khác kinh doanh sản phẩm, mô hình kinh doanh, cách thức kinh doanh dựa trên hình thức và phương pháp mà mình đã có.
Bên nhượng quyền cần đảm bảo cung cấp đúng, đủ và hỗ trợ thành viên gia nhập hệ thống đó. Bên nhận nhượng quyền phải đảm bảo thực hiện đúng theo các tiêu chuẩn, khuôn mẫu nghiêm ngặt của hệ thống. Bao gồm cách trang trí đến nội dung hàng hóa, dịch vụ và giá cả được chuyển giao. Các tài sản vô hình và hữu hình khác, điển hình như: quảng cáo, tập huấn quốc nội và quốc tế cũng như các dịch vụ hỗ trợ khác nói chung được bên nhượng quyền thực hiện.
FRANCHISE – Nhượng quyền kinh doanh
Trên thực tế, có thể được bên nhượng quyền yêu cầu. Nói chung, việc đòi hỏi sổ sách kế toán phải được kiểm toán và bên nhượng quyền bắt buộc phải chấp nhận việc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất. Nếu không đạt tại các kỳ kiểm tra, các quyền được định trong nhượng quyền kinh doanh có thể không được gia hạn hoặc hủy bỏ luôn.
4.2. Nên tự mở cửa hàng tiện lợi hay nhượng quyền kinh doanh?
Để bạn có cái nhìn rõ nét hơn về hai cách thức kinh doanh này, chúng tôi đã làm một bài so sánh nhỏ về việc tự mở cửa hàng và mua nhượng quyền thương hiệu:
- Nhượng quyền cửa hàng tiện lợi: Bạn sẽ được cung cấp tất cả về mặt nhận diện thương hiệu, uy tín thương hiệu, nguồn hàng nhập, nhân viên từ bên nhượng quyền. Tuy mức phí đầu tư đầu tiên khá tốn, nhưng bạn sẽ nhận được % lợi nhuận hàng tháng. Hầu hết, chi phí nhượng quyền đắt hơn so với việc tự mở.
- Tự mở cửa hàng tiện lợi: Bước vất vả nhất là bạn phải tự tìm kiếm nguồn hàng uy tín. Tuy vốn đầu tư ban đầu thấp hơn và lợi nhuận cũng lâu dài và cao hơn, nhưng tỷ lệ thành công và lượng khách lúc đầu cũng sẽ ít hơn. Khi bạn lựa chọn cách kinh doanh “tự túc”, lượng khách tiềm năng đa phần là những người có thu nhập thấp, ít chú trọng vào mặt an toàn thực phẩm. Đối với họ, yếu tố quan trọng hơn là giá thành rẻ. Tuy nhiên, nếu bạn muốn thu hút được nhiều đối tượng khách hàng, bạn cần thiết kế cửa hàng bắt mắt, có máy lạnh, sáng sủa, sạch sẽ.
Tự mở cửa hàng tiện lợi của riêng mình
Nhìn chung, mua nhượng quyền cửa hàng tiện lợi chắc chắn có nhiều lợi thế hơn so với việc tự bản thân mở một cửa hàng tiện lợi mới không ai biết đến. Tuy nhiên, nếu bạn vốn ít và quỹ thời gian cá nhân nhiều thì tự mở cửa hàng của riêng mình vẫn hoàn toàn phù hợp.
5. Giá nhượng quyền cửa hàng tiện lợi
Tùy từng thương hiệu mà giá nhượng quyền sẽ thay đổi. Điển hình như hai thương hiệu cửa hàng tiện lợi sau:
MiniStop: Tùy vào khu vực và mặt bằng kinh doanh, phí nhượng quyền sẽ dao động khoảng 2 – 3 tỷ đồng. Trong đó bao gồm tất cả chi phí nhượng quyền về thiết bị và hàng hóa. Bên thương hiệu sẽ phải hỗ trợ chủ kinh doanh về các khoản khai trương, thi công, tuyển dụng và đào tạo.
Circle K: Dự trù chi phí nhượng quyền là khoảng 25.000 đô la. Chi phí đầu tư để mở chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K tổng cộng là 171.000 – 1,9 triệu đô la. Tuy nhiên, cần đảm bảo 4,5% chi phí bản quyền thương hiệu trên tổng số doanh thu.
6. TOP cửa hàng tiện lợi đang thống lĩnh thị trường Việt Nam
Thống lĩnh thị trường cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam hiện nay phải kể đến 5 tên tuổi lớn sau đây:
6.1. Nhượng quyền Circle K
Circle K là chuỗi cửa hàng tiện lợi đến từ Mỹ và chính thức gia nhập vào Việt Nam năm 2009. Khách hàng khi trải nghiệm dịch vụ tại đây có thể lựa chọn thanh toán bằng nhiều hình thức như: VP Pay, ví Momo hay quẹt thẻ vô cùng tiện lợi và nhanh chóng.
Xem thêm: Đăng kí nhượng quyền Circle K và những điều cần biết
6.2. Nhượng quyền GS25
Chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 đến từ Hàn Quốc sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ dịch vụ tiện ích về mua sắm cho người tiêu dùng. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy các sản phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc tại đây như: Bánh gạo, rong biển, hộp cơm ăn liền, cà phê,…
6.3. Nhượng quyền Family Mart
Khác với hai thương hiệu trên, FamilyMart là chuỗi cửa hàng tiện lợi đến từ Nhật. Nếu bạn yêu thích những sản phẩm đa dạng đến từ xứ sở Phù Tang thì đây là sự lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.
6.4. Nhượng quyền 7-Eleven
Cái tên sáng giá được xứng danh trong top 5 là chuỗi cửa hàng có mặt tại 19 quốc gia với hàng nghìn cửa hàng chính là 7-Eleven. Ưu điểm của chuỗi cửa hàng này là sản phẩm đa dạng, hình thức thanh toán phong phú và có vị trí đắc địa gần khu đông dân cư.
6.5. Nhượng quyền Ministop
Ministop là thương hiệu đình đám của AEON. Mô hình hoạt động chính của cửa hàng tiện lợi này là sự kết hợp giữa cửa hàng thức ăn nhanh và độ tiện lợi.
Cửa hàng tiện lợi Ministop
Bạn có thể tham khảo thêm nhiều chuỗi cửa hàng tiện lợi khác đang hoạt động rất hiệu quả tại Việt Nam như: Co.op Smile, Speed L hay Cheers,…
Xem thêm: Nhượng quyền VinMart: Ẩn số lớn và bước chuyển đổi của Masan
7. Lời kết
Thông qua những chia sẻ trên về nhượng quyền cửa hàng tiện lợi, Nhà Hàng Số hy vọng rằng bạn đã có cái nhìn rõ nét hơn về mô hình kinh doanh này. Mong rằng bạn sẽ dễ dàng lựa chọn cho mình chuỗi cửa hàng tiện lợi phù hợp nhất để nhượng quyền kinh doanh. Để biết thêm nhiều thông tin hay và bổ ích, hãy ghé thăm chuyên mục Nhượng quyền siêu thị của chúng tôi bạn nhé!