BÁO CÁO THỊ TRƯỜNG QUÝ II GẠO 2023

Date:

Báo cáo cập nhật bức tranh toàn cảnh về tình hình sản xuất, biến động giá cả, tình hình tiêu thụ và các dự báo về thị trường gạo trong nước và thế giới.

Nội dung: Hoàng Hiệp
Thiết kế: Alex Chu

TÓM TẮT

  • Trong báo cáo tháng 7 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này giữ nguyên dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 ở mức 512,5 triệu tấn (xay xát), giảm 1,4 triệu tấn so với niên vụ trước. Trong khi tiêu thụ dự báo đạt kỷ lục 521,4 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023, tăng 2,6 triệu tấn so với niên vụ trước.
  • USDA dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ tiếp theo 2023-2024 sẽ phục hồi và đạt kỷ lục 520,8 triệu tấn, tăng 8 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023. Tuy nhiên, tiêu thụ vẫn được dự báo sẽ vượt nguồn cung. Tồn kho gạo toàn cầu dự kiến giảm trong ba niên vụ liên tiếp.
  • Ngành gạo Ấn Độ đã có một khởi đầu tương đối tốt trong năm tài chính 2023-2024 với khối lượng xuất khẩu tăng 9,2% trong hai tháng đầu tiên. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ đang thảo luận về kế hoạch cấm xuất khẩu gạo non-basmati để ứng phó với tình trạng giá gạo tăng cao ở trong nước.
  • Giá gạo của Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất 5 năm, trong khi giá gạo của Việt Nam và Thái Lan đang ở mức cao nhất 2 năm qua. Thị trường gạo thế giới diễn ra sôi động khi nhiều quốc gia tăng cường dự trữ lương thực do lo ngại hiện tượng El Nino sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo toàn cầu.
  • 6 tháng đầu năm xuất khẩu gạo của nước ta vẫn tăng mạnh 21,3% về lượng và tăng 32,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,24 triệu tấn, trị giá 2,25 tỷ USD. Đây cũng là kết quả xuất khẩu tốt nhất của ngành gạo trong 13 năm trở lại đây. Các thị trường xuất khẩu hàng đầu gồm Philippines, Trung Quốc, Indonesia…
  • Giá gạo xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm cũng tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức bình quân 533 USD/tấn.
  • Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 367.502 tấn gạo từ Ấn Độ, tăng 31,76% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam hiện hiện đứng thứ 8 trong số các nước nhập khẩu gạo nhiều nhất từ Ấn Độ, trong đó chủ yếu là gạo đồ và gạo trắng thường…
  • Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với đà tăng trưởng như hiện nay, xuất khẩu gạo có thể đạt khoảng 8 triệu tấn, thu về hơn 4 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu của nước ta hiện xấp xỉ Thái Lan và cao hơn Ấn Độ. Trong tương lai, mặt bằng này sẽ tiếp tục được duy trì khi nước ta có 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải.
  • Kết quả kinh doanh quý II/2023 của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ khả quan khi đơn hàng và giá bán gia tăng, trong khi lãi suất cho vay được các ngân hàng điều chỉnh giảm.

PHẦN 1: THỊ TRƯỜNG GẠO THẾ GIỚI QUÝ II/2023

Thị trường gạo thế giới diễn ra sôi động trong quý II và nửa đầu năm 2023 khi nhiều quốc gia tăng cường dự trữ lương thực do lo ngại hiện tượng El Nino sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo toàn cầu.

1. Sản xuất – Tiêu thụ

• Sản xuất

Trong báo cáo tháng 7 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này giữ nguyên dự báo sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 ở mức 512,5 triệu tấn (xay xát), giảm 1,4 triệu tấn so với niên vụ trước.
Tuy nhiên, sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ tiếp theo 2023-2024 được dự báo đạt kỷ lục 520,8 triệu tấn, tăng 0,3 triệu tấn so với dự báo của tháng trước và tăng 8 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023.
USDA cho biết, Pakistan, Trung Quốc và Mỹ chiếm phần lớn mức tăng sản lượng gạo dự kiến trong vụ 2023-2024. Trong đó, sản lượng của Pakistan dự kiến tăng 3,5 triệu tấn, Trung Quốc tăng hơn 3 triệu tấn; Mỹ tăng 1,3 triệu tấn.
Ngoài ra, sản lượng Bangladesh, Myanmar, Indonesia và Sri Lanka dự kiến tăng sản lượng ở mỗi nước hơn 250.000 tấn.
Ngược lại, sản lượng gạo niên vụ 2023-2024 được dự báo sẽ giảm 2 triệu tấn ở Ấn Độ do diện tích thu hoạch giảm. Đồng thời giảm ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mali, Nigeria và Venezuela.
Tổng nguồn cung gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 được dự báo là 694,3 triệu tấn, tăng 300.000 tấn so với dự báo trước đó nhưng thấp hơn 600.000 tấn so với niên vụ 2022-2023 và là năm thứ hai liên tiếp nguồn cung gạo toàn cầu giảm.

• Tiêu thụ

Sản lượng giảm trong khi tiêu thụ gạo toàn cầu được USDA dự báo đạt kỷ lục 521,4 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023, tăng 2,6 triệu tấn so với niên vụ trước.
Tiêu thụ gạo được dự báo tiếp tục 2,5 triệu tấn trong niên vụ 2023-2024 lên mức kỷ lục mới là 523,9 triệu tấn, đồng thời vượt sản lượng 3,1 triệu tấn.
Trong niên vụ 2023-2024, tiêu thụ của Ấn Độ dự kiến tăng 1,5 triệu tấn lên mức kỷ lục 114 triệu tấn. Bên cạnh đó, tiêu thụ cũng tăng tại Bangladesh, Bờ Biển Ngà, EU, Guinea, Iraq, Kenya, Madagascar, Malaysia, Nepal, Nigeria, Philippines, Senegal, Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Mỹ và Việt Nam.
Ngược lại, tiêu thụ của Trung Quốc dự kiến giảm 2,95 triệu tấn trong niên vụ 2023-2024 xuống còn 152 triệu tấn do giảm sử dụng gạo làm thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, tiêu thụ của Thái Lan dự kiến sẽ giảm 0,3 triệu tấn xuống còn 12,5 triệu tấn.

• Tồn kho

USDA đã điều chỉnh nhẹ dự báo tồn kho gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 lên mức 173,56 triệu tấn, nhưng con số này vẫn giảm tới 8,9 triệu tấn so với niên vụ trước do tiêu thụ vượt sản lượng.
Tồn kho cuối vụ toàn cầu được dự báo tiếp tục giảm xuống còn 170,4 triệu tấn vào niên vụ 2023-2024, cao hơn 0,2 triệu tấn so với dự báo trước đó nhưng vẫn thấp hơn 3,1 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023.
Ấn Độ chiếm phần lớn sự sụt giảm dự báo dự trữ cuối kỳ trên toàn cầu vào niên vụ 2023-2024. Các kho dự trữ của Ấn Độ được dự đoán sẽ giảm 3 triệu tấn do vụ mùa nhỏ hơn và mức tiêu thụ kỷ lục cùng với lượng xuất khẩu lớn hơn. Tồn kho cuối vụ cũng được dự báo sẽ giảm vào năm tại Thái Lan và Việt Nam.

• Thương mại

Thương mại gạo toàn cầu năm dương lịch 2023 được USDA điều chỉnh tăng 0,2 triệu tấn so với dự báo trước nhưng giảm 0,5 triệu tấn so với kỷ lục của năm 2022, đạt 55,6 triệu tấn. Việt Nam cao hơn bù đắp cho xuất khẩu giảm từ Myanmar và Trung Quốc. Nhập khẩu được dự báo cao hơn, đặc biệt là ở Kenya và Việt Nam.
Năm 2024, thương mại gạo toàn cầu được dự báo ở mức kỷ lục 56,3 triệu tấn, tăng 0,5 triệu tấn so với dự báo trước đó và cao hơn 1% so với niên vụ 2022-2023.
Theo đó, xuất khẩu dự kiến tăng từ Argentina, Australia, Myanmar, Campuchia, Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Uruguay, nhưng giảm từ Brazil, Paraguay, Nga, Thái Lan và Việt Nam. Ấn Độ dự kiến sẽ một lần nữa trở thành nước xuất khẩu lớn nhất, với khối lượng vận chuyển kỷ lục 23 triệu tấn, vượt xa tổng khối lượng xuất khẩu của ba nhà cung cấp lớn tiếp theo là Pakistan, Thái Lan và Việt Nam.
Còn theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), FAO cho rằng thương mại gạo quốc tế có thể giảm trong năm 2023, đánh dấu mức giảm lần đầu tiên sau 4 năm, xuống còn 53,6 triệu tấn từ mức cao kỷ lục 56 triệu tấn trong năm 2022.
Trong đó, gần một nửa thương mại gạo, tương đương 25,6 triệu tấn, sẽ dành cho khu vực châu Á – điểm đến chính của các luồng thương mại gạo toàn cầu, giảm 4,7% so với mức cao kỷ lục trong năm 2022. Nguyên nhân là do nguồn cung khả dụng xuất khẩu giảm và chi phí nhập khẩu tăng.
Các nước nhập khẩu gạo cũng được dự báo sẽ tăng quy mô dự trữ thêm 1,1% lên 131,6 triệu tấn. “Trong số các nước nhập khẩu truyền thống, Iraq, Hàn Quốc, Malaysia, Nepal, Nigeria và Philippines đều đang tăng dự trữ trước mùa thấp điểm”, FAO cho hay.

2. Tình hình xuất nhập khẩu

a. Xuất khẩu

Ấn Độ

Ngành gạo Ấn Độ đã có một khởi đầu tương đối tốt trong năm tài chính 2023-2024 với khối lượng xuất khẩu đạt hơn 3,67 triệu tấn sau 2 tháng đầu tiên (tháng 4 và tháng 5/2023), tăng 9,2% so với 3,36 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu mạnh đối với gạo basmati.
Theo đó, các lô hàng gạo basmati xuất khẩu trong giai đoạn này đã tăng 21% lên 830 nghìn tấn. Trong khi các lô hàng gạo non-basmati (các loại gạo khác ngoài basmati) cũng tăng 6% lên 2,84 triệu tấn.
Tuy nhiên, hãng tin Bloomberg đưa tin, Chính phủ Ấn Độ đang thảo luận về kế hoạch cấm xuất khẩu gạo non-basmati. Kế hoạch này nhằm ứng phó với tình trạng giá gạo đang tăng cao ở trong nước, đồng thời giới chức trách muốn tránh nguy cơ lạm phát trỗi dậy trước các cuộc bầu cử quan trọng.
Lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng đến khoảng 80% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Mặc dù động thái này có thể làm giảm giá trong nước, nhưng nó có nguy cơ đẩy giá gạo toàn cầu lên cao hơn nữa.
Ấn Độ chiếm khoảng 40% thương mại gạo toàn cầu và đã tìm cách thắt chặt xuất khẩu một số loại gạo. Năm 2022, quốc gia Nam Á này đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các lô hàng gạo trắng và gạo lứt sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine khiến giá các mặt hàng lương thực như lúa mì và ngô tăng vọt. Nước này cũng đã hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường.
Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi Nông dân Ấn Độ, việc gieo cấy lúa trong vụ mùa Kharif có thể bị ảnh hưởng đáng kể trong năm nay.
Lúa được gieo từ ngày 15/6 đến ngày 15/7 ở hầu hết các bang sản xuất lúa gạo của Ấn Độ vì thời điểm này được coi là thích hợp cho sản xuất. Nhưng tính đến ngày 7/7, diện tích gieo cấy mới đạt 5,4 triệu ha, giảm 23,9% so với 7,1 triệu ha của cùng kỳ năm ngoái. Trong khi so với tuần đầu tháng 7/2021, diện tích gieo sạ năm nay ít hơn 4,09 triệu ha.

Thái Lan

Theo số liệu từ Bộ Thương mại Thái Lan, nước này đã xuất khẩu 850 nghìn tấn gạo trong tháng 5, tăng 88,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Thái Lan đạt 3,47 triệu tấn, tăng 26,5% so với cùng kỳ do được thúc đẩy bởi nhu cầu gạo thế giới tăng cao và đồng Baht suy yếu.
Bộ Thương mại Thái Lan dự kiến xuất khẩu gạo năm 2023 sẽ vượt 8 triệu tấn, cao hơn dự báo trước đó do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến nhu cầu dự trữ gạo toàn cầu tăng, qua đó duy trì vị trí quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới.
Theo Bloomberg, nguồn cung gạo toàn cầu gặp rủi ro khi Thái Lan đối mặt một đợt hạn hán có thể kéo dài nhiều năm. Các quan chức Chính phủ dự báo lượng mưa toàn quốc trong mùa mưa năm nay ở Thái Lan thấp hơn 10% so với trung bình hằng năm trong khi El Nino có thể làm giảm lượng mưa hơn nữa trong 2 năm tới.
Cho đến thời điểm này của năm 2023, lượng mưa ở Thái Lan thấp hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái, hạn hán trên diện rộng được cảnh báo xảy ra từ đầu năm 2024. Viễn cảnh này khiến chính quyền Thái Lan yêu cầu nông dân chỉ trồng lúa một vụ để tiết kiệm nước.

Pakistan

Theo Cơ quan Thống kê Pakistan, nước này đã xuất khẩu 247.078 tấn gạo các loại trong tháng 5, lần lượt giảm đến 47% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm khoảng 25% so với tháng trước. Do nguồn cung sụt giảm bởi lũ lụt hồi năm ngoái nên lũy kế xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm của Pakistan chỉ đạt 1,87 triệu tấn, giảm 17,9% so với cùng kỳ.
Thị trường ghi nhận các nhu cầu nhập khẩu mới từ châu Phi, Malaysia và Trung Quốc, tuy nhiên các khách hàng vẫn có khuynh hướng chờ đến thời điểm thu hoạch vụ chính. Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối Pakistan khá lạc quan và các nhà xuất khẩu gạo hy vọng tỷ giá giữa đồng Rupee và USD sẽ ổn định hơn trong thời gian tới.

Campuchia

Trong 6 tháng đầu năm, Campuchia đã xuất khẩu gần 330.000 tấn gạo tổng trị giá 229,2 triệu USD sang thị trường các nước, đạt gần 50% kế hoạch năm và tăng nhẹ 0,7% về lượng so với cùng kỳ năm trước, theo Liên đoàn Gạo Campuchia (RCF).
Trong số 52 thị trường xuất khẩu gạo của Campuchia, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất, chiếm 42% tổng khối lượng xuất khẩu với hơn 130.000 tấn, trị giá gần 89 triệu USD; tiếp theo là thị trường 25 nước châu u với hơn 120.000 tấn, trị giá 86,7 triệu USD. Còn lại khoảng 28.000 tấn được xuất khẩu sang các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN), tổng trị giá gần 19 triệu USD, chủ yếu là thị trường Philippines và Brunei.
Chủng loại gạo xuất khẩu của Campuchia chủ yếu là các loại gạo thơm (85,08%), tiếp theo là gạo trắng hạt dài (11,34%), gạo đồ (2,42%), hữu cơ (1,02%), và gạo trắng hạt ngắn (0,14%). Ngoài gạo, Campuchia còn xuất khẩu hơn 2,22 triệu tấn lúa sang các nước láng giềng thuộc khối ASEAN.
RCF đặt mục tiêu xuất khẩu 750.000 tấn gạo trong năm 2023 và đạt 1 triệu tấn vào năm 2025. Cơ quan này tiếp tục phối hợp với Bộ Thương mại Campuchia để mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, hướng tới mục tiêu xuất khẩu hơn 400.000 tấn vào Trung Quốc trong năm 2023. Trong giai đoạn từ năm 2023-2027, ngành gạo Campuchia còn hướng tới các thị trường tiềm năng khác như Trung Đông, nhất là Philippines, quốc gia vốn rất quan tâm đến nguồn gạo xuất khẩu từ Campuchia.

Myanmar

Liên đoàn Gạo Myanmar (MRF) cho biết, nước này đã xuất khẩu 261.079 tấn gạo và gạo tấm trong quý đầu tiên của năm tài chính 2023-2024 (tháng 4 – 6/2023), giảm 52,6% so với hơn 550.547 tấn của cùng kỳ năm trước. Trong đó,122.243 tấn gạo và 138.836 tấn gạo tấm. Myanmar đã xuất khẩu 246.162 tấn gạo và gạo tấm qua các tuyến đường biển, phần còn lại qua các cửa khẩu đường bộ.
Nước này đã xuất khẩu gạo và tấm sang hơn 20 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Bulgaria, Ba Lan, Bỉ và Hà Lan… Năm ngoái, Myanmar thu về 853,5 triệu USD từ việc xuất khẩu hơn 2,2 triệu tấn gạo và gạo tấm trong năm tài chính 2022-2023, theo dữ liệu của MRF.

b. Nhập khẩu

Philippines

Theo Cục Công nghiệp Thực vật Philippines (BPI), trong 6 tháng đầu năm nước này đã nhập khẩu 1,8 triệu tấn gạo, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung gạo nội địa được cải thiện.
Riêng trong tháng 6 nhập khẩu gạo của Philippines chỉ đạt 187.531 tấn, giảm 41,3% so với 319.482 tấn trong tháng trước và giảm 56,1% so với tháng 6/2022.
Trong nửa đầu năm, Việt Nam vẫn là nguồn cung gạo lớn nhất cho Philippines với khối lượng đạt 1,6 triệu tấn, tương đương 89,1% tổng lượng nhập khẩu của nước này. Tiếp theo là Myanmar và Thái Lan với khối lượng đạt lần lượt là 81.895 tấn và 73.667 tấn.
Theo Bộ Nông nghiệp Philippines (DA), sản lượng thu hoạch trong nước đã cải thiện trong những tháng gần đây. Sản lượng thu hoạch lúa chưa xay xát ước tính tăng 6% trong 6 tháng đầu năm lên mức 8,6 triệu tấn (tương ứng 5,6 triệu tấn gạo xay xát) do thời tiết thuận lợi trong thời gian thu hoạch và chất lượng gạo cũng khá tốt.
Do đó, giá mua lúa cũng tương đối cao cũng giúp nông dân thu hồi vốn từ chi phí đầu vào cao (chẳng hạn như phân bón và nhiên liệu).
Với sản lượng nội địa và nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp Philippines đảm bảo rằng có đủ nguồn cung gạo để cung cấp cho nhu cầu lương thực hàng ngày của người dân Philippines khi nước này bước vào quý 3 năm nay.
Trong báo cáo mới đây, FAO dự báo Philippines có thể nhập khẩu 3,5 triệu tấn gạo trong năm 2023, giảm so với mức 3,9 triệu tấn gạo ước tính trong năm 2022. Nguồn cung nội địa đủ để đáp ứng các nhu cầu nên Philippines có dư địa giảm nhập khẩu gạo từ mức nhập khẩu cao kỷ lục trong năm 2022.
Tồn kho gạo cuối niên vụ 2022-2023 và 2023-2024 của Philippines dự kiến sẽ đạt 2,2 triệu tấn, tăng nhẹ so với mức 2,1 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022.
Về sản xuất, Philippines dự báo sản xuất 12,9 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022-2023 và niên vụ 2023-2024, giảm nhẹ so với mức 13 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022.
Mặc dù vậy, FAO cho biết những bất trắc trong sản xuất vụ mùa được canh tác dọc phía nam xích đạo, nơi Philippines rất gần, vẫn dai dẳng. Những bất trắc cơ bản liên quan đến điều kiện thời tiết, đặc biệt là khả năng cao diễn ra El Nino tại Bắc Bán cầu trong mùa hè khiến lượng mưa tại một số khu vực miền nam và đông nam châu Á giảm.

Indonesia

Theo số liệu từ Cục Thống kê Trung ương Indonesia, nước này đã nhập khẩu 854.291 tấn gạo trong 5 tháng đầu năm, tăng 11 lần so với 77.278 tấn của cùng kỳ năm ngoái.
Hai thị trường cung cấp gạo lớn nhất cho Indonesia là Thái Lan và Việt Nam với khối lượng đạt lần lượt là 388.985 tấn và 366.237 tấn, tăng 36 lần và 45 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Thái Lan nắm giữ 45,5% thị phần gạo tại Indonesia, trong khi Việt Nam chiếm 43%. Ngoài ra, Indonesia còn nhập khẩu gạo từ Ấn Độ (7,1% thị phần), Pakistan (4% thị phần)…

Trung Quốc

Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 1,6 triệu tấn gạo trong 5 tháng đầu năm nay với trị giá 1,2 tỷ USD, giảm 43,8% về lượng và giảm 30,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc.
Trong đó, nhập khẩu gạo của Trung Quốc từ Ấn Độ giảm 78,9%, Pakistan giảm 80,5%… Nguyên nhân là ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ và sản lượng gạo của Pakistan giảm mạnh do lũ lụt nghiêm trọng vào năm ngoái. Ngoài ra, Trung Quốc cũng giảm nhập khẩu gạo từ Thái Lan (giảm 41,4%) và Campuchia (giảm 17,8%)…Ngược lại, nhập khẩu gạo của Trung Quốc từ Việt Nam lại tăng mạnh 67,3% lên mức 604.299 tấn, qua đó đưa Việt Nam trở thành nguồn cung gạo lớn nhất vào Trung Quốc với thị phần chiếm 36,8%, tăng so với mức 12,4% của cùng kỳ năm 2022. Sau khi mở cửa trở lại từ đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã đẩy mạnh nhập khẩu các loại gạo thơm, gạo nếp từ Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng trong nước.

Iran

Số liệu của Cơ quan Hải quan Iran (IRICA) cho thấy, nhập khẩu gạo của nước này trong tháng 4 và tháng 5 (hai tháng đầu tiên của năm tài khóa 2023-2024) giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, Iran đã nhập khẩu hơn 171.000 tấn gạo trị giá hơn 212,5 triệu USD trong hai tháng tính đến ngày 21/5, lần lượt giảm 50% và 60% về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Ấn Độ vẫn là nhà cung cấp gạo lớn nhất cho Iran trong 2 tháng đầu năm tài khóa với 89.000 tấn, trị giá 101 triệu USD, tiếp theo là Pakistan đạt 73.000 tấn trị giá 92 triệu USD. Ngoài ra, Iran còn nhập khẩu gạo từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Thái Lan và một số thị trường khác.
Việc Iran tăng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ và Pakistan đã giúp nước này mở rộng thương mại với các đối tác này trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tình trạng thừa cung gạo nội địa được báo cáo trong những tháng gần đây đã khiến giá một số loại gạo cao cấp giảm đáng kể tại nước này, đồng thời buộc các nhà nhập khẩu giảm đơn đặt hàng từ Ấn Độ và Pakistan, theo Presstv.

Hàn Quốc

Tổng Công ty Thương mại nông thủy sản và lương thực Hàn Quốc đã mua khoảng 16.800 tấn gạo, phần lớn có nguồn gốc từ Việt Nam trong một phiên đấu thầu quốc tế lên tới 62.200 tấn đã kết thúc vào ngày 8/6, theo nguồn tin từ thương nhân châu Âu cho biết.
Gói thầu bao gồm một lô hàng khoảng 16.600 tấn gạo lứt hạt dài có xuất xứ Việt Nam với giá ước tính 674 USD/tấn (C&F) đến Hàn Quốc vào 30/9/2023.
Một khối lượng nhỏ khoảng 200 tấn gạo lứt hạt dài xay xát đến từ Thái Lan đã được mua với giá khoảng 1.150 USD/tấn cũng cho lô hàng cập cảng vào tháng 9, theo Reuters.

3. Diễn biến giá

Chỉ số giá gạo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đạt trung bình 126,2 điểm vào tháng 6, giảm nhẹ 1,2% so với tháng trước nhưng vẫn tăng tới 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá gạo của FAO đạt bình quân 125,1 điểm, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường gạo thế giới diễn ra sôi động trong quý II và nửa đầu năm 2023 khi nhiều quốc gia tăng cường dự trữ lương thực do lo ngại hiện tượng El Nino sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo toàn cầu.


Còn theo Reuters, tính đến giữa tháng 7/2023, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ kéo dài chuỗi tăng sang tuần thứ 7 liên tiếp và đạt mức cao nhất trong hơn 5 năm do nguồn cung suy giảm trong bối cảnh có thông tin nước này đang xem xét cấm xuất khẩu toàn bộ gạo thường (non-basmati) để kiềm chế lạm phát .
Một phát ngôn viên của Chính phủ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters. Hai nguồn tin chính phủ cho biết không có đề xuất cấm xuất khẩu.
Trả lời Reuters, một quan chức cho biết New Delhi đang theo dõi chặt chẽ biến động giá và kịch bản sản lượng cho năm 2023 sẽ trở nên rõ ràng vào tháng 10 hoặc tháng 11.”Tại thời điểm đó, chúng tôi có thể xem xét dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu hoặc áp đặt các biện pháp kiềm chế hơn nữa” nguồn tin cho biết.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ hiện đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2018 ở mức 421 USD – 428 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với một tháng trước và tăng 48 USD/tấn so với đầu năm nay.
BV Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo (REA) cho biết động thái tăng giá thu mua lúa của chính phủ đã đẩy giá gạo lên cao. Tuy nhiên, Chính phủ đang nắm giữ nhiều dự trữ hơn mức cần thiết cho các chương trình phúc lợi và không cần phải hạn chế xuất khẩu.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 515 USD/tấn, tăng 20 USD/tấn so với giữa tháng 6 và tăng 55 USD/tấn (tương ứng 12%) kể từ đầu năm đến nay. Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết giá gạo dự kiến sẽ tiếp tục tăng do người mua đẩy mạnh dự trữ, đồng thời cho biết thêm rằng nông dân nước này được khuyến cáo chỉ nên canh tác một vụ lúa duy nhất trong năm nay do hiện tượng El Nino có thể gây ra tình trạng khô hạn nghiêm trọng thời gian tới.
Gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức cao nhất hai năm là 510 – 513 USD/tấn, tăng từ 15 – 20 USD/tấn so với tháng trước và tăng 60 USD/tấn so với đầu năm. Một thương nhân tại TP.HCM cho biết nhu cầu từ cả thị trường truyền thống và thị trường mới vẫn tốt.

PHẦN 2: THỊ TRƯỜNG GẠO VIỆT NAM

Cùng với sự sôi động của thị trường thế giới, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa đầu năm nay ghi nhận kết quả tốt nhất trong 13 năm trở lại đây. Đồng thời, giá gạo xuất khẩu và trong nước cũng cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái.

1. Sản xuất

a. Diện tích gieo trồng, thu hoạch

Theo số liệu của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 29/6, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL xuống giống được 1,48 triệu ha/1,5 triệu ha vụ Hè Thu, đồng thời thu hoạch khoảng 352 nghìn ha.
Còn theo Tổng cục Thống kê, diện tích gieo cấy lúa Đông Xuân cả nước năm 2023 đạt gần 2.953 nghìn ha, giảm 39,8 nghìn ha so với vụ Đông Xuân năm trước do chuyển sang đất phi nông nghiệp phục vụ quá trình đô thị hóa, chuyển sang trồng cây lâu năm hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tuy nhiên, do thời tiết thuận lợi cùng với mô hình trồng lúa ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được nhân rộng nên năng suất lúa Đông Xuân năm nay đạt khá. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa Đông Xuân của cả nước ước đạt 68,4 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước. Mặc dù diện tích gieo cấy giảm nhưng năng suất tăng cao nên sản lượng lúa Đông Xuân cả nước năm nay tăng so với vụ Đông Xuân năm trước, ước đạt 20,2 triệu tấn, tăng 231,9 nghìn tấn.
Cùng với việc thu hoạch vụ Đông Xuân, tính đến trung tuần tháng 6/2023, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1.789 nghìn ha lúa Hè Thu, bằng 98,7% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 1.418 nghìn ha, bằng 97,9%. Do đặc điểm lúa Hè Thu sinh trưởng trong điều kiện nắng nóng, nền nhiệt cao, có thể thiếu nước ở đầu vụ nhưng thu hoạch vào thời điểm có mưa đầu mùa, ngành Nông nghiệp cần theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, có biện pháp xử lý kịp thời để lúa Hè Thu cho kết quả tốt.

b. Tình hình sâu, dịch bệnh, thời tiết

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) vào đầu tháng 7.
• Rầy hại lúa: Diện tích nhiễm 1.542 ha (giảm 2.416 ha so với kỳ trước, giảm 11.423 ha so với CKNT), trong đó nhiễm nặng 11 ha; phòng trừ trong kỳ 839 ha. • Sâu cuốn lá nhỏ: Diện tích nhiễm 6.179 ha (tăng 1.157 ha so với kỳ trước, tăng 1.166 ha so với CKNT, phòng trừ trong kỳ 2.272 ha.
• Sâu đục thân 2 chấm: Diện tích nhiễm 989 ha (giảm 697 ha so với kỳ trước, giảm 748 ha so với CKNT), diện tích nhiễm nặng 04 ha, phòng trừ trong kỳ 336 ha. • Bệnh đen lép hạt: Diện tích nhiễm 7.796 ha (tăng 2.828 ha so với kỳ trước, tăng 5.011 ha so với CKNT), phòng trừ trong kỳ 5.986 ha.

2. Xuất khẩu

Không nằm ngoài dự báo của chúng tôi, xuất khẩu gạo đang có phần chậm lại do nguồn cung từ vụ thu hoạch Đông Xuân không còn nhiều.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6 xuất khẩu gạo của nước ta đạt 617.998 tấn, trị giá 340,77 triệu USD, giảm 14,7% về lượng và giảm 12,8% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái giảm 14,9% về lượng và 3,8% về trị giá.
Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm xuất khẩu gạo của nước ta vẫn tăng mạnh 21,3% về lượng và tăng 32,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,24 triệu tấn, trị giá 2,25 tỷ USD. Đây cũng là kết quả xuất khẩu tốt nhất của ngành gạo trong 13 năm trở lại đây.

Trong tháng 6, xuất khẩu gạo sang Philippines, Trung Quốc, Malaysia có chiều hướng chậm lại, trong khi các chuyến hàng vận chuyển đến Indonesia, Ghana, Bờ Biển Ngà, Singapore… lại tăng mạnh.
Tính đến hết tháng 6 năm nay, Philippines tiếp tục đứng đầu về thị trường tiêu thụ gạo của nước ta, chiếm 40,1% tổng khối lượng xuất khẩu với khối lượng đạt 1,7 triệu tấn, trị giá 857,7 triệu USD, tăng 4,6% về lượng và tăng 13% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu gạo sang thị trường lớn thứ hai là Trung Quốc cũng tăng mạnh 54,4% về lượng và tăng 71,2% về trị giá, đạt 677.387 tấn, trị giá 390,6 triệu USD. Xét về thị phần, Trung Quốc hiện chiếm 16% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của nước ta, tăng so với mức 12,6% của cùng kỳ.
Đáng chú ý, Indonesia vươn lên vị trí số 3 về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với khối lượng đạt 492.801 tấn, tăng gần 15 lần (1.388%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng gạo xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng như: Ghana tăng 27,4%, Singapore tăng 48,2%, Mozambique tăng 40,3%, Đài Loan tăng 151,5%, Ba Lan tăng 144,2%, Bỉ tăng 210,2%, Tây Ban Nha tăng 252,7%, đặc biệt Senegal tăng 1.034%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 5.562%, Chile tăng 4.083%…
Chỉ một số ít thị trường ghi nhận sự sụt giảm như Bờ Biển Ngà (-32,7%); Malaysia (-6,5%), Australia (-29,2%)…

3. Diễn biến giá

Không chỉ tăng về khối lượng, giá gạo xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm cũng tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức bình quân 533 USD/tấn. Tính riêng trong tháng 6, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 551 USD/tấn, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đây cũng là mức giá cao nhất ghi nhận được trong 2 năm qua.
Tại thị trường trong nước, dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, tính đến cuối quý II giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL đã tăng 500 – 1.259 đồng/kg so với đầu năm nay và tăng 1.000 – 2.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá lúa gạo có xu hướng tăng, đồng thời chi phí vật tư nông nghiệp hạ nhiệt đã mang lại thu nhập tốt hơn cho người trồng lúa.

4. Tình hình nhập khẩu

Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, Việt Nam cũng đang mua khối lượng lớn gạo từ Ấn Độ và lúa từ Campuchia.
Thông tin từ Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia, nước này đã xuất khẩu 1,73 triệu tấn lúa sang Việt Nam trong 6 tháng đầu năm với trị giá tương đương 336,2 triệu USD và giá trung bình 19,4 US cent/kg.
Năm ngoái, Campuchia cũng xuất khẩu 3,5 triệu tấn lúa trị giá 841,1 triệu USD, tất cả đều được xuất khẩu sang Việt Nam.
Còn theo số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ, trong tháng 5 Việt Nam nhập khẩu 100.940 tấn gạo từ nước này, tăng tới 18,4% so với tháng trước và tăng 56,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đây cũng là khối lượng nhập khẩu cao nhất trong hai năm qua.
Luỹ kế trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 367.502 tấn gạo từ Ấn Độ, trị giá 119,3 triệu USD, tăng 31,76% về lượng và tăng 38% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam hiện hiện đứng thứ 8 trong số các nước nhập khẩu gạo nhiều từ Ấn Độ, trong đó chủ yếu là gạo đồ và gạo trắng thường…

PHẦN 3: DỰ BÁO

Cân đối lượng gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu năm 2023 tại các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long ước đạt khoảng 6,6 triệu tấn. Trong số đó, tổng lượng gạo cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước 4,1 triệu tấn và khoảng 2,5 triệu tấn cho 6 tháng cuối năm.
Do đó, trong nửa cuối năm nay, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam khó tăng mạnh như nửa đầu năm nhưng bù lại giá gạo có thể thiết lập mặt bằng mới.
Giá gạo châu Á đang ở mức cao nhất hai năm và khả năng còn tiếp tục tăng cao hơn nữa khi nguồn cung gạo giá rẻ từ Ấn Độ có thể bị siết chặt hơn. Đồng thời, hiện tượng El Nino sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp của nhiều quốc gia trên toàn cầu, vừa khiến nguồn cung giảm và khiến nhu cầu nhập khẩu lương thực tăng lên.
Chính phủ Ấn Độ đang thảo luận về kế hoạch cấm xuất khẩu gạo non-basmati. Giới chức trách của quốc gia Nam Á này đang muốn tránh nguy cơ lạm phát nhiều hơn trước cuộc bầu cử quan trọng.
Mặc dù động thái này có thể làm giảm giá trong nước, nhưng nó có nguy cơ đẩy chi phí toàn cầu vốn đắt đỏ lên cao hơn nữa bởi Ấn Độ đang chiếm khoảng 40% thương mại gạo toàn cầu. Tháng 9 năm ngoái, quốc gia Nam Á này cũng đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và áp thuế 20% đối với các lô hàng gạo trắng và gạo lứt để ổn định thị trường trong nước.
Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết El Nino đã phát triển tại vùng nhiệt đới Thái Bình Dương lần đầu tiên sau 7 năm, gây khô hạn tại Đông Nam Á.
Dù mưa đã xoa dịu phần nào nỗi lo mất mùa tại Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng thời tiết khô nóng lại đang đe dọa Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai. Chính phủ Thái Lan đã khuyến cáo nông dân chỉ trồng một mùa vụ trong năm nay, thay vì hai hoặc ba vụ như thường lệ.
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, với sự xuất hiện của El Nino, ảnh hưởng từ thời tiết khô nóng sẽ bắt đầu rõ rệt trong tháng 9 và tháng 10. Điều này đồng nghĩa hoạt động mua tích trữ sẽ tiếp diễn khi El Nino được dự báo kéo dài sang năm sau.
Nắng nóng cũng có khả năng đe dọa nhiều khu vực tại miền Nam Trung Quốc. Theo Cục Khí tượng Trung Quốc, nhiệt độ có thể lên 40 độ C tại Hồ Nam và Giang Tây, các tỉnh trồng lúa hàng đầu nước này. Cơ quan này cũng cảnh báo “rủi ro cao” là nắng nóng sẽ khiến lúa tại những nơi này chín sớm.
Trong bối cảnh đó, các nhà nhập khẩu lớn tại châu Á như Philippines, Indonesia, Malaysia, hay các quốc gia tại châu Phi và Trung Đông… đang tích cực thu mua gạo nhằm tăng cường kho dự trữ, chuẩn bị cho kịch bản thiếu hụt nguồn cung lương thực.
Mới đây, Indonesia đã ký thỏa thuận nhập khẩu 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ trong trường hợp El Nino khiến dự trữ gạo của Indonesia xuống thấp. Đây được xem là động thái đặc biệt, cho thấy Indonesia đang cố gắng đa dạng nguồn cung để đảm bảo chắc chắn hơn cho vấn đề an ninh lương thực; thông thường, Indonesia sẽ nhập khẩu gạo từ Thái Lan và Việt Nam.
Bangladesh cũng đang có kế hoạch đấu thầu 500.000 tấn gạo để đảm bảo an ninh lương thực.
Trong báo cáo mới đây, USDA đã nâng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 lên mức 7,5 triệu tấn, tăng 0,3 triệu tấn so với dự báo trước và tăng 6,3% so với con số 7,05 triệu tấn của năm 2022.
Còn theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với đà tăng trưởng như hiện nay, xuất khẩu gạo chắc chắn sẽ đạt khoảng 8 triệu tấn, thu về hơn 4 tỷ USD trong năm nay. Giá gạo xuất khẩu của nước ta hiện xấp xỉ Thái Lan và cao hơn Ấn Độ. Trong tương lai, mặt bằng này sẽ tiếp tục được duy trì khi nước ta có 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải.

PHẦN 4: HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TRONG NGÀNH

Kết quả kinh doanh quý II/2023 của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ khả quan khi đơn hàng và giá bán gia tăng, trong khi lãi suất cho vay được các ngân hàng điều chỉnh giảm.
CTCP Tập Đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG): Trong báo cáo mới đây, CTCK Nhất Việt (VFS) cho biết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã mở rộng cơ hội cho Lộc Trời xuất khẩu gạo vào thị trường EU. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại giúp nhu cầu nhập khẩu gạo gia tăng. Đây là hai thị trường xuất khẩu chính của Lộc Trời. Mảng lương thực sẽ là động lực tăng trưởng chính cho Lộc Trời trong năm 2023, nhất là khi có thành viên mới là Công ty cổ phần Lương thực Lộc Nhân, giúp gia tăng công suất.
Do đó, VFS ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Lộc Trời năm 2023 đạt 14.028 tỷ đồng và 465,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 13% so với năm 2022. CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã: TAR): Cũng theo CTCK Nhất Việt hoạt động xuất khẩu gạo của Trung An chiếm 15% tổng doanh thu, trong đó thị trường xuất khẩu gạo chính là Trung Quốc. Dự phóng, năm 2023, Trung An đạt doanh thu 3.994 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 80 tỷ đồng, tăng lần lượt 5,2% và 13,9% so với năm 2022.
Giới phân tích kỳ vọng Trung An sẽ đạt kết quả kinh doanh khả quan, dù doanh nghiệp này đề ra mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ, còn lợi nhuận dự kiến giảm 33% so với cùng kỳ.
Theo chia sẻ mới đây của CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, giá lúa gạo tăng nhưng giá lúa của nông dân bán ra cũng tăng mạnh theo, khiến chi phí sản xuất, giá thành tăng cao. Lãi suất ngân hàng từ năm ngoái đến nay cũng rất cao. Dù lãi suất có xu hướng giảm nhưng chỉ là xu hướng thôi, thực tế dù công ty kinh doanh sản xuất gạo thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ nhưng lãi suất ngân hàng hiện nay cho công ty vẫn ở mức cao.
Do đó, dù Nhà nước đã chỉ đạo các Ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng để áp dụng vào thực tế vẫn sẽ có độ trễ nhất định. Ngoài ra, tình hình kinh tế khó khăn, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Các yếu tố trên đã phần nào bào mòn lợi nhuận. Tuy nhiên, cơ hội phát triển trong năm 2023 của công ty sẽ rất lớn do giữ vững được các đơn hàng, đảm bảo được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Trung An cho biết hiện có một Tập đoàn của Nhật Bản đang muốn đầu tư vào công ty, đã cử người qua khảo sát và mong muốn không chỉ đầu tư vốn mà còn đầu tư cả nhà máy để sản xuất các sản phẩm có thế mạnh như các thành phẩm sau gạo. Ngoài ra, còn có một doanh nghiệp của Mỹ cũng muốn đầu tư vào công ty.
CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Mã: AGM): Ngày 14/6 là ngày thanh toán lãi kỳ 5 của mã trái phiếu AGMH2223001 (kỳ tính lãi từ 14/3/2023 đến ngày 14/6/2023). Tuy nhiên, Công ty cho biết chưa thanh toán được, lý do tình hình sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn, Angimex hiện chưa thu xếp được nguồn thanh toán.
Kết thúc quý I, Angimex ghi nhận doanh thu đạt 159 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tài chính và các khoản lợi nhuận khác lần lượt giảm 67% và 113% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế âm 17,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi 9,9 tỷ đồng.
Tình hình tài chính, đến 31/3 Angimex còn chưa đến 7 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. Về các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, công ty có 33,9 tỷ đồng đầu tư ngắn hạn (giảm 20 tỷ đồng so với đầu năm). Ngoài ra, khoản tiền đổ vào chứng khoán kinh doanh gần 63 tỷ đồng thì phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh gần 30 tỷ đồng.
Khoản đầu tư chứng khoán, Angimex dồn tất cả 62,5 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu HQC và phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư gần 30 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Mã NSC): SSC thông báo chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 15%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 27/6/2023. Tương ứng với việc mỗi cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ nhận được cổ tức 1.500 đồng. Như vậy, với 13,2 triệu cổ phiếu được lưu hành cùng 1,7 triệu cổ phiếu quỹ, dự kiến Giống cây trồng miền Nam sẽ phải chi ra khoảng 20 tỷ đồng để trả cổ tức.

PHẦN 5: CHÍNH SÁCH

• Tăng cường các giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo

Văn phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lên tiếng lo ngại về đề xuất của Bộ Công thương về hạn chế nhập khẩu gạo chất lượng thấp. Trong dự thảo điều chỉnh Nghị định số 107 về thương mại gạo hiện đang trong quá trình lấy ý kiến tham vấn, Bộ Công thương đề xuất các quy định quản lý nhập khẩu gạo, đặc biệt là nhập khẩu gạo chất lượng thấp từ các nước khác.
Bộ Công thương cho hay việc thiếu thống kê và quản lý đúng đắn, kịp thời, kim ngạch nhập khẩu gạo tăng vọt, có thể tác động tới sản xuất trong nước và gián tiếp tác động tới an ninh lương thực.
Bộ Công thương nhấn mạnh tầm quan trọng của ban hành các chính sách quản lý nhập khẩu gạo theo các tiêu chí: lượng, giá trị, chủng loại, thị trường, các nhà nhập khẩu, các cửa khẩu chỉ định nhập khẩu, giúp các cơ quan quản lý nhà nước chủ động và nhanh chóng điều tiết, quản lý các hoạt động nhập khẩu gạo trong mỗi giai đoạn.
Trong dự thảo điều chỉnh luật, Bộ cũng đề xuất phạt nặng các thương nhân gạo không có báo cáo quý, năm về xuất khẩu và tồn kho theo yêu cầu do trong 3 năm qua, nhiều nhà xuất khẩu gạo đã không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về các hợp đồng xuất khẩu, các báo cáo tồn kho theo quý và theo năm. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho quản lý xuất khẩu gạo từ phía nhà nước.
Tuy nhiên theo VCCI, dự thảo này không đề ra tiêu chí rõ ràng để đánh giá tác động của nhập khẩu gạo lên sản xuất nội địa và không cụ thể hóa các biện pháp được triển khai. Áp dụng các chính sách hạn chế nhập khẩu có thể tác động lên các nhà sản xuất nội địa khác, làm tăng chi phí sản xuất, dẫn tới thiếu đầu vào sản xuất và giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Cơ quan này cũng cho rằng nếu áp dụng các chính sách quản lý nhập khẩu thì nên cân nhắc tới nhu cầu sử dụng nguyên liệu thô để sản xuất trong một bộ phận doanh nghiệp.
Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu gần 1 triệu tấn gạo từ nhiều nước khác nhau. Trong đó, 72% nguồn cung tới từ Ấn Độ, chủ yếu sử dụng để sản xuất bún, miến phở, các laoij bánh, TACN, bia và rượu.

• Ấn Độ phê duyệt xuất khẩu gạo tấm cho một số nước

Theo thông báo từ chính phủ Ấn Độ, nước này quyết định phê duyêt xuất khẩu gạo tấm tới một số nước cụ thể sau khi nhận được yêu cầu từ chính phủ các nước này về nhập khẩu ngũ cốc theo đường ngoại giao.
Đất nước Nam Á này cấm xuất khẩu gạo tấm từ năm 2022 để ổn định giá nội địa. Nhưng sau khi nhận được nhiều đề xuất, Ấn Độ sẽ cho phép xuất khẩu gạo tấm sang Indonesia, Senegal và Gambia trong năm tài khoán 2023/24 bắt đầu từ ngày 1/4.
Chính phủ Ấn Độ cũng phê duyệt yêu cầu từ Nepal và cho phép xuất khẩu lúa mỳ sang nước này trong năm tài khóa hiện tại. Các nhà xuất khẩu Ấn Độ từng xuất khẩu ngũ cốc sang các nước này, sẽ cần đấu thầu để được phân bổ hạn ngạch xuất khẩu lúa mỳ và gạo tấm, theo thông báo từ chính phủ. Indonesia đã ký một thỏa thuận với chính phủ Ấn Độ về khả năng nhập khẩu 1 triệu tấn gạo nếu hình thái thời tiết El Nino gây thiệt hại cho nguồn cung nội địa.

PHỤ LỤC

DANH MỤC BIỂU ĐỒ

  • Biểu đồ 1: Cung – cầu gạo thế giới niên vụ 2018-2019 đến 2023/2024 (Trang 6)
  • Biểu đồ 2: Thương mại gạo toàn cầu từ năm 2019 – 2024 (Trang 7)
  • Biểu đồ 3: Diễn biến giá gạo thế giới từ năm 2022 đến ngày 15/7/2023 (Trang 13)
  • Biểu đồ 4: Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm từ 2010-2023 (Trang 16)
  • Biểu đồ 5: Cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng năm 2022 và 6 tháng năm 2023 theo khối lượng (Trang 17)
  • Biểu đồ 6: Diễn biến giá gạo xuất khẩu bình quân trong 6 tháng đầu năm từ 2010-2023 (Trang 17)
  • Biểu đồ 7: Nhập khẩu gạo của Việt Nam từ Ấn Độ năm 2022-2023 (Trang 19)
  • Bảng 1: Diễn biến giá gạo thế giới trong 6 tháng đầu năm 2023 (Trang 11)
  • Bảng 2: Diễn biến giá lúa gạo tại ĐBSCL tính đến cuối tháng 6/2023 (Trang 18)

NGUỒN THAM KHẢO

  • Bộ Công Thương
  • Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Cục Bảo vệ thực vật
  • Tổng cục Hải quan
  • Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA)
  • Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC)
  • Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO)
  • Reuteus
  • SSI Research
  • Riotimeonline

BẢN QUYỀN

Báo cáo “Thị trường gạo quý II/2023” được biên tập viên mục Hàng hóa của VietnamBiz tổng hợp và trình bày. Các số liệu, thông tin và những phân tích được tổng hợp trong báo cáo này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và không được sử dụng như lời khuyên cho việc tư vấn kinh doanh, tài chính và những lĩnh vực chuyên nghiệp khác.

TUYÊN BỐ MIỄN TRỪ TRÁCH NHIỆM

Thông tin và tài liệu trong báo cáo được nỗ lực tổng hợp dưới dạng sẵn có một cách chính xác nhất có thể. Tuy nhiên, tác giả không đảm bảo tính chính xác, sự thích hợp hay đầy đủ của các thông tin và số liệu, đồng thời tuyên bố miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm đối với các lỗi hoặc thiếu sót trong các thông tin và số liệu này.

GIỚI HẠN TRÁCH NHIỆM

VietnamBiz sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường đối với bất kì chi phí, tổn thất hoặc thiệt hại nào cho dù trực tiếp hay gián tiếp, có liên quan tới hoặc là hậu quả của việc sử dụng báo cáo, hoặc liên quan tới những thiếu sót, sai sót.

ĐỂ THEO DÕI NHỮNG BÁO CÁO GẦN NHẤT CỦA CHÚNG TÔI, XIN TRUY CẬP QR CODE

MỌI Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VỀ BÁO CÁO THỊ TRƯỜNG, VUI LÒNG LIÊN HỆ VỚI:

  • Trịnh Huyền Trang
  • Thư ký tòa soạn phụ trách mục Hàng hóa – trang TTĐTTH VietnamBiz Hotline: 099 522 2999
  • Email: [email protected]
  • Địa chỉ: Lầu 3 Tòa nhà COMPA Building, 293 Điện Biên Phủ, Phường 15, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh
  • Chi nhánh: Số 5, ngõ 38A, Phố Trần Phú, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, TP Hà Nội
  • Hotline: 0938.189.222 Email: [email protected]
  • Vận hành bởi Shared by Vietnam Market Report & Marketing Research by CTO Vietnam Network
Tặng một sao
Ngọc Bích
Ngọc Bích
Editor at NHS Team
Để lại một câu trả lời

Share bài viết:

Bài viết nổi bật

5 tin tức bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những tin tức nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Mọi người đang đọc
Related

Báo cáo thị trường heo hơi tháng 2/2023

Cập nhật bức tranh toàn cảnh về tình hình...

Báo cáo thị trường hồ tiêu tháng 2/2023

Cập nhật bức tranh toàn cảnh về tình hình...

Báo cáo thị trường hồ tiêu tháng 1/2023

Cập nhật bức tranh toàn cảnh về tình hình...

Báo cáo thị trường gạo tháng 2/2023

Cập nhật bức tranh toàn cảnh về tình hình...