Câu chuyện về chocolate Marou là hành trình kỳ lạ của hai người Pháp đưa chocolate Việt Nam lên bản đồ thế giới.
Khi nhắc đến chocolate, người ta thường nghĩ đến những quốc gia châu u như Bỉ, Thụy Sĩ,…Tuy nhiên ít ai biết rằng hãng chocolate từng được Tờ New York Times đánh giá là loại chocolate “ngon nhất thế giới” lại đến từ Việt Nam. Cùng Nhà hàng số tìm hiểu câu chuyện về chocolate Marou – câu chuyện về startup triệu đô với loại chocolate Việt ngon nhất thế giới.
Nội dung
1. Khởi đầu đầy ngẫu hứng của câu chuyện về chocolate Marou
Đầu năm 2012, thương hiệu chocolate Marou lần đầu xuất hiện ở quầy hàng, quán cafe khắp Sài Gòn. Thanh chocolate trang nhã gây ấn tượng với dòng chữ ánh vàng đề tên các tỉnh thành của Việt Nam. Lúc bấy giờ ít ai ngờ rằng những thanh chocolate ‘made in Vietnam này sẽ nổi tiếng khắp thế giới.
Câu chuyện về chocolate marou bắt đầu từ một cuộc gặp gỡ tình cờ giữa hai kẻ ngoại đạo. Lúc bấy giờ, Samuel Maruta (42 tuổi) – cựu giám đốc ngân hàng, đang sinh sống cùng vợ tại Sài Gòn. Anh vừa từ bỏ công việc bàn giấy nhàm chán để tìm kiếm một thứ gì đó “thú vị hơn”. Trong chuyến du lịch miền Nam Việt Nam, Samuel đã gặp gỡ người bạn Pháp tên Vincent Mourou, 44 tuổi. Vincent khi ấy cũng vừa từ bỏ công việc ở một công ty quảng cáo. Hai người nhanh chóng tìm thấy sự đồng điệu trong suy nghĩ, và cùng rẽ hướng sang lĩnh vực chocolate.
Samuel Maruta (trái) và Vincent Mourou (phải).
Vincent và Samuel cùng rong ruổi khắp các vùng trồng cacao để tìm được nguồn nguyên liệu ưng ý. Càng đi cả hai lại càng bất ngờ vì hạt cacao Việt Nam ngon đến thế nhưng lại chẳng có ai sản xuất chocolate. Tìm được nguyên liệu cả hai lại vùi đầu vào nghiên cứu quy trình sản xuất. “Phòng nghiên cứu” chính là căn bếp của Samuel với một chiếc máy xay sinh tố, lò nướng, khuôn bánh. Vì chưa từng có kinh nghiệm, Vincent và Samuel cứ vừa học vừa làm. Trong suốt 6 tháng họ đã thử nghiệm 55 mẫu chocolate, trước khi đưa ra thành phẩm cuối cùng.
2. Những thanh chocolate “bean to bar” đầu tiên
Thương hiệu Marou, Faiseurs de Chocolat ra đời sau chín tháng từ khi câu chuyện về chocolate marou được bắt đầu. Cái tên Marou được ghép từ họ của hai người sáng lập – Maruta và Mourou.
Trong căn xưởng sản xuất nhỏ, họ đã tạo ra những thanh chocolate bean-to-bar đầu tiên của Việt Nam. Phương pháp “bean to bar” (từ hạt cho đến thanh chocolate) nghĩa là một công ty sản xuất sẽ thực hiện tất cả các công đoạn để biến hạt cacao thành chocolate thành phẩm.
Hình thức này tưởng chừng không có gì đặc biệt tuy nhiên hiện nay rất ít nơi áp dụng. Do phần lớn các công ty đều nhập hạt cacao đã qua chế biến hoặc dùng luôn chocolate thành phẩm. Cách sản xuất của Marou đòi hỏi nhiều công sức và chi phí cao hơn nhưng sẽ tạo ra loại chocolate với hảo hạng. Vì có thể hợp tác chặt chẽ hơn với nông dân trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm. Điều này là một trong những yếu tố tiên quyết tạo nên hương vị đặc biệt của chocolate Marou.
Mỗi loại chocolate Marou gắn liền với một tỉnh thành là xuất xứ của hạt cacao tạo nên loại chocolate đó. Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang, Bà Rịa, Lâm Đồng và Daklak là 6 địa danh cung cấp những hạt cacao ngon nhất cho Marou.
3. Thành công vang dội
Sự tỉ mỉ, tận tâm của Vincent và Samuel đã được đền đáp bằng những lời tán dương từ thực khách và các tờ báo lớn. Tờ New York Times dành hẳn một bài viết với tiêu đề “chocolate ngon nhất thế giới mà bạn chưa từng nếm thử” để nói về chocolate Marou là:. Forbes đã gọi Marou là “Nhân tài mới trong ngành chocolate”. Vincent kể lại: “Chúng tôi được nhắc đến không biết bao nhiêu lần trên các tờ báo lớn của Pháp. Gia đình chúng tôi rất ngạc nhiên và chính chúng tôi cũng vậy! ” Thậm chí tờ nhật báo hàng đầu của Pháp Parisien đã dành hẳn một trang để nói về chocolate Marou.
Chocolate Marou trên báo chí quốc tế.
Cùng với những lời khen ngợi từ chuyên gia, Marou cũng nhận được sự yêu mến đặc biệt từ khách hàng. Chỉ trong năm đầu tiên hoạt động, Marou đã đạt doanh thu 120.000 USD. chocolate Marou tiến vào các khách sạn, nhà hàng, quán cafe sang trọng. Trong năm 2020, doanh số xuất khẩu của Marou đã tăng 50%.Bắc Mỹ, châu u, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những thị trường xuất khẩu lớn của Marou.
Không chỉ thành công ở thị trường quốc tế, tại Việt Nam Marou cũng có những bước tiến vượt bậc.
Các cửa hàng của Marou liên tục xuất hiện ở các thành phố lớn. Dù có giá thành cao hơn các loại chocolate công nghiệp rất nhiều. Nhưng Marou vẫn luôn là lựa chọn số một của những người yêu chocolate.
Xem thêm:
- CEO Vua Cua: Từ sinh viên khoa điều dưỡng thành CEO doanh nghiệp triệu đô
- CEO Bánh mì má Hải – hành trình từ 2 triệu đồng đến 2 triệu USD
4. Điều gì làm nên thành công trong câu chuyện về chocolate Marou
4.1 Sản phẩm chất lượng.
“Bí quyết (thành công) là bạn phải có một sản phẩm thật xuất sắc.” Đó chính là những chia sẻ của Samuel về sự thành công của Marou. Các sản phẩm của Marou luôn được kiểm soát kĩ càng ở mọi giai đoạn. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng Marou kiểm tra chặt chẽ đến từng bao cacao. Áp dụng các quy chuẩn riêng biệt trong quá trình lên men hạt, rang xay để ra thành phẩm cuối cùng. Sản phẩm chất lượng chính là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của Marou.
4.2 Mô hình độc đáo
Hiện nay Marou đang áp dụng hai mô hình là Maison Marou và Marou Station.
Năm 2016, cửa hàng Maison Marou mở cửa hàng đầu tiên tại TPHCM. Sau đó một năm Maison Marou có mặt ở Hà Nội. Mô hình Maison Marou là vừa là tiệm bán cafe và bánh vừa là xưởng sản xuất chocolate thu nhỏ. Tại đây khách hàng có thể thưởng thức đồ uống, bánh ngọt và những thanh chocolate nguyên chất. Thoạt nhìn mô hình này khá giống một quán cafe bánh ngọt thông thường. Nhưng Maison Marou tạo khác biệt nhờ menu chuyên biệt với nguyên liệu chính là chocolate cao cấp.
Hiện nay Marou còn đang tiếp tục phát triển mô hình Marou Station ở nhiều trung tâm mua sắm lớn. Mô hình này là một phiên bản thu nhỏ, tối giản và thân thiện hơn của Marou Maison. Marou Station vẫn cung cấp các sản phẩm chocolate thơm ngon như đồ uống, bánh ngọt, kem. Nhưng với không gian có diện tích nhỏ, ít chỗ ngồi hơn, chủ yếu phục vụ take-away (bán mang đi). Đây là một động thái giúp Marou đến gần hơn với tiêu dùng đặc biệt là giới trẻ Việt Nam. Marou kỳ vọng mở rộng mô hình này ra ngoài TPHCM đến các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
4.3 Tôn vinh các giá trị bản địa
Dù có hai ông chủ là người Pháp nhưng Marou lại thể hiện rất rõ văn hóa Việt Nam.
6 dòng sản phẩm chính của Marou được đặt tên theo 6 tỉnh thành. Đây là những nơi cung cấp nguyên liệu để sản xuất nên loại chocolate đó.
Ngoài ra còn có các dòng sản phẩm kết hợp với đặc sản của các địa phương như chocolate dừa Bến Tre, chocolate quất Mekong, chocolate tiêu chanh Đắk Lắk…Thậm chí là chocolate vị Phở với các loại gia vị quen thuộc trong nước dùng Phở như hoa hồi, thảo quả, quế,…
Marou luôn gắn sự phát triển của công ty với sự phát triển bền vững của địa phương. Công ty hiện đang triển khai các dự án cacao với các phương pháp canh tác mới ít tác động tới môi trường.
Xem thêm:
- CEO …Ka Coffee: Từ “Liều lĩnh” đến dẫn đầu xu hướng cafe
- CEO Lẩu Phan: Bỏ học để khởi nghiệp “mơ lớn hoặc đừng mơ”
5. Marou và hành trình phía trước
5.1 Vực dậy từ những mất mát
Một thập kỷ phát triển và chinh phục khách hàng, Marou đã đạt được nhiều thành tích đáng nể. Tuy nhiên hành trình phía trước vẫn còn rất nhiều thách thức đối với công ty. Đầu tiên là sự ra đi đột ngột của Samuel Maruta, một trong hai thành viên sáng lập nên Marou. Sự mất mát này là cú đánh trời giáng cộng thêm vào những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Tuy nhiên Vincent và tất cả các thành viên của Marou cùng quyết tâm lấy lại tinh thần. Họ sẽ đưa Marou theo lộ trình mà Sam đã vẽ ra, nối tiếp giấc mơ dang dở của Sam. “Điều chúng tôi muốn là phải tiếp tục hành trình này cùng nhau, tạo ra những giá trị cho Marou. Sam luôn sát cánh cùng tôi. Anh ấy vẫn ở đây.” – Vincent chia sẻ.
5.2 Chinh phục thị trường Việt Nam
Thị trường Việt Nam lại là “vùng tối dưới chân đèn” – nơi Marou sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính ông chủ của Marou – Samuel Maruta cũng phải công nhận rằng điều này. “Người Việt thích chocolate, nhưng chỉ coi đây là một loại hương liệu, ví dụ như trên bánh hoặc một chiếc bánh Choco Pie”.
Giá cả và khẩu vị là hai thách thức lớn nhất của Marou trong hành trình chinh phục thị trường Việt Nam. Mức giá khoảng 100.000 đồng cho một thanh chocolate sẽ khiến nhiều người Việt Nam chùn bước. Thêm vào đó người Việt cũng không có thói quen thưởng thức chocolate thường xuyên. Vị đắng và hơi chua của chocolate đen cũng không phù hợp với khẩu vị của phần đông người Việt Nam.
Để vượt qua những thách thức này Marou đang phát triển các dòng sản phẩm sáng tạo với hương vị đa dạng và phù hợp khẩu vị nhiều người hơn. Ví dụ như dòng chocolate kết hợp với trái cây và quả hạch vừa ra mắt cách đây không lâu.
Ngoài ra công ty còn đang mở rộng mô hình Marou Station như một giải pháp thân thiện để tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam. Khoản đầu tư từ Mekong Capital vào tháng 4/2022 cũng là một động lực lớn giúp Marou triển khai các hoạt động để chinh phục thị trường Việt Nam.
6. Tạm kết
Ít ai ngờ cuộc gặp gỡ giữa hai người Pháp xa lạ tại Việt Nam lại là khởi đầu của loại chocolate ngon nhất thế giới. Câu chuyện về chocolate Marou đã trở thành khơi nguồn cảm hứng mỗi khi ai đó nhắc tới tinh thần truyền khởi nghiệp và sự tôn vinh những giá trị bền vững. Theo dõi chuyên mục Brand Story của Nhà hàng số để biết thêm về những câu chuyện thú vị phía sau các doanh nghiệp F&B.