Chiến lược marketing của Cholimex Food: ông trùm gia vị Việt

Date:

Sự thành công trong chiến lược marketing của Cholimex Food cho thấy hiệu quả trong việc chú trọng phát triển sản phẩm và kênh phân phối.

Cholimex Food là một thương hiệu rất quen thuộc trong căn bếp của các gia đình Việt. Năm 2021 vơi kết quả kinh doanh thành công đã kéo dài chuỗi tăng trưởng liên tục 7 năm của Cholimex Food. Điều gì trong chiến lược marketing của Cholimex Food đã giúp thương hiệu này đạt đến thành công như hiện nay?

1. Tổng quan thị trường nước chấm Việt Nam

Theo báo cáo từ Euromonitor, quy mô thị trường ngành hàng gia vị Việt Nam khoảng 33,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó 64% đóng góp đến từ từ nước chấm tương đương hơn 21,4 nghìn tỷ.
Trong đó nước mắm chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tổng quy mô đạt 15.000 tỷ đồng. Đứng thứ hai là nước tương với quy mô 2.800 tỷ đồng. Ngay sau đó là tương ớt với 2.600 tỷ đồng.
Thị trường gia vị Việt Nam là cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực mạnh với các doanh nghiệp bản địa giàu kinh nghiệm. Trong khi thị trường bột nêm bị thống trị bởi các thương hiệu nước ngoài, như Knorr (Unilever), Maggi (Nestle), Aji-Ngon (Ajinomoto) và Miwon. Thì thị trường nước chấm, tương ớt lại là sân chơi của các doanh nghiệp Việt. Những cái tên quen thuộc như Masan Consumer, Cholimex Food, Trung Thành, Nam Dương đang cùng chia sẻ thị phần.
Masan consumer (thuộc Masan Group) là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất trong phân khúc nước chấm (chiếm 43%). Những thương hiệu quen thuộc như Chinsu, Nam Ngư đã đem về cho Masan doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng (2021).
Đứng thứ hai trong phân khúc nước, tương chấm là Cholimex Food. Thương hiệu này hiện đang chiếm khoảng 37% thị phần. Trong những năm gần đây Cholimex đang phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân hàng năm xấp xỉ 30%.
Ngoài ra trong thị trường còn khá nhiều các thương hiệu nhỏ hơn như Nam Dương, Trung Thành và các cơ sở sản xuất nước chấm truyền thống.

thị trường gia vị nước chấm

 

2. Tổng quan về Cholimex Foods

Cholimex Food có tên đầy đủ là Công ty Cổ Phần Thực Phẩm Cholimex. Năm 1983, Xí nghiệp chế biến Hải sản và thực phẩm xuất khẩu Cholimex (tiền thân của Cholimex Food) được thành lập. Lúc bấy giờ công ty chủ yếu chế biến, sơ chế các mặt hàng hải sản đông lạnh, nông sản. Đến 1989, Cholimex Food bắt đầu khẳng định vị thế khi cho ra mắt sản phẩm tương ớt cay ngọt. Năm 2006, Công ty được cổ phần hóa và chính thức hoạt động với tên mới là Công ty cổ phần thực phẩm Cholimex. Năm 2009, Cholimex Food tiếp tục tiến công vào thị trường gia vị với các dòng sản phẩm nước tương và nước mắm.

logo cholimex food
Đến nay sau gần 40 năm hoạt động, Cholimex Food hiện đang sản xuất và phân phối hơn 100 sản phẩm đa dạng. Từ tương ớt, tương cà, nước mắm, nước tương đến các loại thực phẩm đông lạnh. Cholimex Food đã trở thành một thương hiệu không thể thiếu trong căn bếp của người Việt.
Cholimex Foods hiện đang sở hữu vốn điều lệ 81 tỷ đồng. Với cơ cấu cổ phần gồm:

  • Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu và Đầu Tư Chợ Lớn (CHOLIMEX): 40,72%
  • Công ty Nichirei Foods Inc. (Nhật Bản): 19,00 %
  • Các thành viên công ty Tonkin Products Ltd. (Anh Quốc): 5,21%
  • Các cổ đông khác: 35,07%

tổng quan cholimex food

3. Tình hình kinh doanh của Cholimex Food

Nhìn chung, nhờ những bước đi khôn ngoan trong chiến lược marketing của Cholimex Food, tình hình kinh doanh của công ty cho thấy nhiều dấu hiệu khả quan. Trong giai đoạn gần đây, tốc độ tăng trưởng trung bình của Cholimex Food đạt hơn 15%/ năm.
Năm 2021 Cholimex Food đạt doanh thu 2.500 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2020. Đây cũng là năm thứ bảy liên tiếp trong mạch tăng trưởng về doanh thu của Cholimex Foods. Trung bình mỗi ngày Cholimex Food thu gần 7 tỷ đồng từ các sản phẩm tương ớt, tương cà, nước mắm,…Trong đó thị trường nội địa chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu (73%), còn lại đến từ xuất khẩu. Mức doanh thu này tăng gần 11% so với cùng kỳ 2020 và kéo dài mạch đi lên năm thứ bảy liên tiếp. Theo đó, thị trường nội địa chiếm tỷ trọng gần 73% trong cơ cấu doanh thu, còn lại đến từ xuất khẩu. Tỷ suất sinh lời gộp năm 2021 đạt 27% tương đương 670 tỷ. Lợi nhuận sau thuế tăng 4% so với năm 2020 lên mức 186 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2020, Cholimex Food có mặt ở 80.000 cửa hàng bán lẻ, 4000 nhà hàng, chuỗi thức ăn cùng 5000 siêu thị. Ở thị trường xuất khẩu, thương hiệu Cholimex Food đã có mặt tại hơn 30 quốc gia. Trong đó có nhiều thị trường khó tính ở khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ.
doanh thu cholimex

4. Khách hàng mục tiêu của Cholimex Food

Hiện nay Việt Nam có hơn 26 triệu hộ gia đình. Đây chính là nhóm đối tượng tiêu thụ các sản phẩm gia vị, nước chấm thường xuyên. Để có thể đưa sản phẩm của mình vào bếp ăn của các hộ gia đình, Cholimex Food phải thuyết phục được những người quản lý việc nấu nướng, bếp núc. Do đó khách hàng mục tiêu của Cholimex Food chủ yếu là các bà nội trợ trong gia đình. Nhóm khách hàng này phần lớn là phụ nữ độ tuổi từ 25 đến 65.
khách hàng mục tiêu cholimex foodNgoài ra chiến lược marketing của Cholimex Food còn nhắm tới khách hàng mục tiêu của là các thương hiệu đồ ăn nhanh, nhà hàng. Đây cũng là nhóm đối tượng có sức tiêu thụ rất lớn.

5. Đối thủ cạnh tranh của Cholimex Food

Hoạt động chủ yếu trong thị trường gia vị đầy tiềm năng, Cholimex Food có một danh sách dài đối thủ cạnh tranh. Đầu tiên phải kể đến Masan – đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Cholimex Food. Masan và Cholimex Food là hai ông lớn đang cạnh tranh vị trí dẫn đầu về thị phần nước chấm. Chiến lược marketing của Cholimex Food cần chú ý nghiên cứu các biện pháp để cạnh tranh với Masan. Các thương hiệu nội địa như Thành Trung, Nam Dương, Ông Tây,…cũng là những đối thủ đáng gờm. Ngoài ra đối thủ cạnh tranh của Cholimex Food còn có các công ty nước ngoài có tiềm lực mạnh như Knorr, Nestle cũng đang đẩy mạnh xây dựng các thương hiệu nước chấm.
đối thủ cạnh tranh cholimex food

6. Swot của Cholimex Food

6.1 Điểm mạnh

  • Sản phẩm đa dạng: Cholimex Food hiện đang cung cấp 7 dòng sản phẩm gia vị và 3 dòng thực phẩm chế biến sẵn. Chỉ tính riêng tương ớt đã có đến 22 sản phẩm với nhiều hương vị và khối lượng khác nhau. Sản phẩm đa dạng sẽ giúp khách hàng của Cholimex Food dễ dàng lựa chọn sản phẩm phù hợp.

ưu điểm cholimex

  • Giá thành hợp lý: Nhìn chung khi so sánh với các thương hiệu phổ biến như Chinsu, Nam Dương, Trung Thành, Vifon các sản phẩm của Cholimex Food đều có giá thành rẻ hơn. Ngoài ra Cholimex Food còn cung cấp các sản phẩm dung tích lớn với giá thành cực kì ưu đãi.
  • Phù hợp khẩu vị người Việt: Là một thương hiệu với hơn 40 năm hoạt động, Cholimex Food đã nghiên cứu rất kĩ khẩu vị của người Việt Nam. Từ đó đưa ra các sản phẩm có hương vị cân bằng, phù hợp khẩu vị của người Việt. Đây cũng chính là lợi thế của các thương hiệu nội địa trong thị trường nước chấm.

cholimex food phù hợp khẩu vị

  • Có hệ thống phân phối rộng rãi: Với hơn 80.000 điểm bán lẻ phân bố trên khắp toàn quốc, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua được sản phẩm của Cholimex Food ở bất cứ đâu. Đây là một điểm sáng làm nên thành công trong chiến lược marketing của Cholimex Food.

6.2 Điểm yếu

  • Bao bì chưa bắt mắt: Các sản phẩm của Cholimex Food thường có thiết kế bao bì khá đơn giản. Đặc biệt là các sản phẩm ra đời sớm có rất ít sự cải tiến trong bao bì sản phẩm. Điều này khiến bao bì của một bộ phận các sản phẩm của Cholimex Food khá lỗi thời và không bắt mắt.
  • Khó tiếp cận các phân khúc cao cấp: Từ trước đến nay Cholimex Food rất phát triển trong phân khúc giá rẻ. Tuy nhiên điều này khiến thương hiệu khó tiếp cận các phân khúc cao cấp. Do hình ảnh thương hiệu bình dân đã ăn sâu vào tâm trí của phần đông người tiêu dùng.

6.3 Cơ hội

  • Sức tiêu thụ của thị trường tăng: Thị trường gia vị luôn được đánh giá là một trong những thị trường nhộn nhịp với tiềm năng phát triển tốt. Theo báo cáo từ Nielsen, thị trường gia vị có tốc độ tăng trưởng từ 25-32% mỗi năm trong giai đoạn từ 2021-2022. Sức tiêu thụ gia vị tăng do sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng. Đây là một cơ hội lớn để các doanh nghiệp như Cholimex Food phát triển.
  • Phát triển thêm đa dạng các dòng sản phẩm: Cuộc sống ngày càng phát triển khiến các loại nguyên liệu và gia vị được sử dụng trong bữa cơm cũng ngày càng đa dạng. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp trong thị trường gia vị có thể đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ví dụ như với sản phẩm tương ớt. Từ một hương vị ban đầu Cholimex Food đã phát triển thêm tương ớt Sriracha, tương ớt gừng, tương ớt xí muội,…
  • Lối sống hiện đại bận rộn: Lối sống hiện đại bận rộn khiến người nội trợ có ít thời gian cho công việc nấu nướng. Điều này dẫn đến sự gia tăng của nhu cầu sử dụng các sản phẩm gia vị, nước chấm sẵn cũng như các sản phẩm đông lạnh.
  • Tiềm năng từ thị trường xuất khẩu: Ẩm thực châu Á ngày càng được đón nhận trên khắp thế giới. Điều này dẫn đến cơ hội xuất khẩu các sản phẩm có hương vị truyền thống như nước mắm, xì dầu, các loại thực phẩm đông lạnh (chả giò, ram tôm,…).

6.4 Thách thức

  • Sự cạnh tranh từ đối thủ: Thị trường phát triển sẽ đi kèm với sự gia tăng áp lư từ các đối thủ cạnh tranh. Hiện nay trong thị trường gia vị, Cholimex Food phải cạnh tranh với nhiều ông lớn như Masan, Knorr, Nestle,…Ngoài ra còn có các doanh nghiệp nội địa nhỏ hơn cũng đang phát triển mạnh và gây sức ép không nhỏ.
  • Xu hướng ăn uống lành mạnh, ít muối, ít gia vị: Càng ngày khi khoa học sức khỏe phát triển, người dân càng có ý thức về sự nguy hại của việc tiêu thụ quá nhiều muối. Điều này đã dẫn đến làn sóng ăn uống lành mạnh, giảm muối, giảm các loại gia vị công nghiệp. Đây là một thách thức lớn đối với Cholimex Food. Vì các sản phẩm của thương hiệu này phần lớn đều là các loại gia vị tăng độ đậm đà như nước mắm, nước tương, tương ớt…Hiện nay, chiến lược marketing của Cholimex Food đã có một số động thái để bắt kịp xu hướng này. Tuy nhiên hiệu quả chưa thực sự rõ rệt.
  • Phong trào sử dụng gia vị được sản xuất theo phương pháp truyền thống: Hiện nay một bộ phận người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm gia vị được sản xuất theo phương pháp truyền thống. Họ cho rằng các sản phẩm này có hương vị đậm đà và “đúng chuẩn” hơn. Để bắt kịp xu hướng này Cholimex Food cũng đã cho ra mắt dòng sản phẩm Hương Việt được chế biến theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên xu hướng này cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến doanh thu của Cholimex Food.

7. Chiến lược marketing của Cholimex Food (marketing mix 4P)

7.1 Chiến lược sản phẩm của Cholimex Food (Product)

Sản phẩm là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên sự khác biệt trong chiến lược marketing của Cholimex Food. Nhìn chung, chiến lược sản phẩm của Cholimex Food đang hướng tới phát triển đa dạng các dòng sản phẩm. Hiện nay Cholimex Food đang sản xuất và phân phối tổng cộng 113 sản phẩm. Trong đó tính riêng dòng gia vị tiện lợi và nước chấm đã có 91 sản phẩm. Đa dạng nhất là các sản phẩm tương ớt với 22 loại, nước mắm 10 loại, sa tế 8 loại,…Ngoài ra còn có 22 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm đông lạnh.

Dung tích của các sản phẩm cũng rất đa dạng. Hầu hết các sản phẩm đều được đóng gói theo các khối lượng khác nhau phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng. Ví dụ như sản phẩm tương cà Cholimex Food có tới 5 dung tích. Bao gồm gói nhỏ, chai 270g, chai 830g, can 2.1kg và can 5kg.
Không chỉ đa dạng các sản phẩm của Cholimex Food được đánh giá khá hợp với khẩu vị của người Việt. Hương vị các loại nước chấm đều cân bằng, không bị quá ngọt hay quá mặn.
Tuy nhiên ở các sản phẩm của Cholimex Food có một yếu tố chưa được đánh giá cao. Đó chính là bao bì. Phong cách bao bì của Cholimex Food khá đơn giản, ít bắt mắt và không có sự khác biệt rõ ràng giữa các dòng sản phẩm. Tuy ở các dòng sản phẩm mới, Cholimex Food đã có sự thay đổi về phong cách thiết kế bao bì hiện đại hơn. Nhưng vẫn chưa có sự cải tiến phù hợp ở các sản phẩm cũ.

chiến lược sản phẩm cholimex food

7.2 Chiến lược giá của Cholimex Food (Price)

Trong chiến lược marketing của Cholimex Food, chiến lược giá đang được phát triển theo hai hướng.

  • Thứ nhất, tối ưu chi phí để duy trì giá thành ưu đãi đối với các sản phẩm trong phân khúc bình dân. Khi so sánh với các thương hiệu khác như Chinsu, Nam Dương, Knorr, Maggi,… Cholimex Food thường có giá thành thấp hơn. Đây là chiến lược giúp Cholimex Food duy trì vị thế của thương hiệu ở thị trường bình dân.
  • Thứ hai, phát triển các dòng sản phẩm ở phân khúc cao cấp với giá thành cao hơn. Đây là xu hướng phát triển mà Cholimex Food đang thực hiện để mở rộng thị trường tới các phân khúc cao hơn. Tuy các sản phẩm giá rẻ dễ bán, có sức tiêu thụ nhanh nhưng cũng đồng nghĩa với lợi nhuận thấp. Do đó việc mở rộng lên các phân khúc cao cấp hơn là xu thế tất yếu. Có thể kể đến một số sản phẩm trong phân khúc cao cấp của Cholimex Food như Tương cà Ketchup, Nước mắm cao đạm, Tương ớt tự nhiên,… Các sản phẩm này thường có giá cao gấp 2 lần so với các sản phẩm tương tự thuộc phân khúc bình dân.

sản phẩm cao cấp cholimex food

6.3 Chiến lược phân phối của Cholimex Food (Place)

Trong giai đoạn năm 2009, Cholimex Food đã có một cuộc thay đổi ngoạn mục để cải thiện mô hình phân phối sản phẩm. Trước khi cải tiến, một chai tương ớt của Cholimex Food cần 1-2 tuần để có thể đến tay người tiêu dùng. Do phải thông qua một quy trình từ nhà máy – đại lý lớn – đại lý nhỏ – cửa hàng lớn – cửa hàng nhỏ – người tiêu dùng. Đại lý mua đứt sản phẩm và tự định giá cũng như cách thức phân phối. Điều này khiến Cholimex Food khó bình ổn giá sản phẩm, thậm chí còn bị đại lý gây sức ép ngược lại.
Để thay đổi tình hình này Cholimex Food thay đổi hệ thống phân phối theo mô hình Unilever. Đầu tiên là tinh giản số lượng đại lý xuống còn ⅓. Đồng thời chuyển đổi từ mô hình đại lý thành các nhà phân phối. Các nhà phân phối sẽ là các mắt xích hoàn thiện hệ thống phân phối của Cholimex Food. Họ sẽ bán hàng theo chính sách giá đồng nhất, hỗ trợ Cholimex Food quản lý các cấp phân phối thấp hơn, xử lý khiếu nại. Mô hình mới này giúp quá trình phân phối sản phẩm diễn ra hiệu quả, có quản lý và giảm thất thoát chi phí.

chiến lược phân phối của cholimex food

Ngoài ra trong chiến lược phân phối của Cholimex Food có một điểm sáng rất đáng chú ý. Đó chính là chiến lược thâm nhập vào các nhà hàng, chuỗi đồ ăn nhanh. Đây là một kênh phân phối ổn định, có sức tiêu thụ rất lớn. Nhà hàng số sẽ có những phân tích chuyên sâu hơn về sự xâm nhập của Cholimex vào các chuỗi đồ ăn nhanh ở phần cuối bài viết.

6.4 Chiến lược quảng bá của Cholimex Food (Promotion)

Chiến lược quảng bá của Cholimex Food gồm ba hình thức chính là quảng cáo, khuyến mãi và quan hệ công chúng.
Đầu tiên về quảng cáo, có thể thấy người tiêu dùng không thường xuyên bắt gặp quảng cáo của Cholimex. Cholimex chỉ chủ yếu thực hiện quảng cáo trực tiếp ở các điểm trưng bày sản phẩm, trong các gian hàng tiếp thị. Ngoài ra Cholimex Food còn quảng cáo thông qua các bài viết trên báo chí. Tuy nhiên hình thức này chủ yếu được thực hiện khi có các sự kiện quan trọng. Ví dụ như ra mắt dòng sản phẩm mới hoặc khai trương nhà máy. Nhìn chung, Cholimex không đầu tư nhiều vào quảng cáo mà chú trọng phát triển hệ thống phân phối hơn.
Hình thức thứ hai trong chiến lược quảng bá của Cholimex Food là khuyến mại. Tuy nhiên thực tế, Cholimex chú trọng việc bình ổn và hạ thấp giá thành nên có rất ít chương trình khuyến mại lớn. Chủ yếu là các đợt khuyến mại nhỏ do các chuỗi siêu thị tự chủ trương.
Thứ ba là các hình thức quan hệ công chúng. Các hoạt động quan hệ công chúng của Cholimex hầu hết đều trong lĩnh vực ẩm thực. Bao gồm tài trợ cho các cuộc thi, chương trình truyền hình về ẩm thực.
cholimex food tài trợ
Nhìn chung chiến lược quảng bá của Cholimex khá đơn giản, không có nhiều điểm nổi bật.

8. Đánh giá chiến lược marketing của Cholimex Food

Trong chiến lược marketing của Cholimex Food có thể thấy sản phẩm, giá và phân phối là ba yếu tố đặc biệt được chú trọng. Sản phẩm đa dạng, chất lượng ổn định, giá thành hợp lý và kênh phân phối tốt đã giúp Cholimex Food giữ vững vị thế trên thị trường Việt Nam. Nhờ những thành công trên Cholimex Food hiện đang được đánh giá là công ty có tiềm năng với triển vọng phát triển tốt.
Tuy nhiên chiến lược quảng bá của Cholimex Food chưa thực sự tốt. Đây là một lỗ hổng cần được khắc phục sớm trong chiến lược marketing của Cholimex Food.
Khi so sánh với chiến lược quảng bá khi ra mắt sản phẩm mới của thương hiệu Chinsu của Masan có thể thấy rõ sự chênh lệch trong mức đầu tư vào quảng bá giữa hai thương hiệu. Khi ra mắt dòng sản phẩm Tương ớt phở, Chinsu đầu tư rất nhiều vào quảng cáo, đặc biệt là trên nền tảng mạng xã hội. Điều này giúp công chúng nắm rõ hơn về Hương vị, đặc tính của sản phẩm mới. Ngoài ra Chinsu còn hợp tác với các food reviewer để giới thiệu sản phẩm đến người yêu ẩm thực.

@eatwpeach

Phá đảo các món nước từ Bắc vô Nam #Master2022byTikTok #bungviphobunmien #vanmonngonbungvi #eatwpeach #wezmedia #ancungtiktok #vtmgr #LearnOnTikTok

♬ original sound – Pít Ham Ăn – Pít Ham Ăn

Video quảng bá sản phẩm tương ớt phở Chinsu.

Ngược lại, Cholimex Food cho ra mắt khá nhiều sản phẩm mới độc đáo, nhưng lại không quảng bá đủ. Khiến người tiêu dùng không biết đến hoặc còn e ngại khi dùng thử sản phẩm mới. Đây là yếu tố mà Cholimex Food cần khắc phục sớm đặc biệt là khi mong muốn xâm nhập thị trường cao cấp với các sản phẩm mới.

9. Chiến lược thâm nhập các chuỗi đồ ăn nhanh của Cholimex Food

Các chuỗi đồ ăn nhanh phát triển mạnh mẽ và liên tục mở rộng đến những thị trường mới. Và Việt Nam là cũng là một trong những thị trường mà các chuỗi đồ ăn nhanh nhắm đến. Có thể kể đến một số cái tên tiêu biểu như KFC (1997), Jollibee (2005), Pizza hut (2006), Popeyes (2013),…
Khi gia nhập nhập thị Việt Nam, các hãng đồ ăn nhanh phải thực hiện một số thay đổi để phù hợp với thói quen của người Việt. Một trong số đó là thói quen ăn đồ ăn nhanh kèm tương ớt và tương cà. Ở các thị trường phương Tây, các hãng đồ ăn hiếm khi cung cấp tương chấm kèm đồ ăn. Do đó khi bước vào thị trường Việt Nam các thương hiệu này gặp lúng túng khi tìm kiếm đối tác cung cấp tương ớt và tương cà. Một số thương hiệu lựa chọn các đối tác đến từ Malaysia, Indonesia. Tuy nhiên điều này làm phát sinh thêm chi phí cho việc vận chuyển.
thói quen của người tiêu dùng việt
Cholimex Food là thương hiệu nội địa duy nhất được các chuỗi đồ ăn nhanh lựa chọn kí hợp đồng cung cấp các sản phẩm tương ớt, tương cà. Theo thông tin từ website của Cholimex Food, công ty hiện đang là đối tác của các công ty như Pizza Hut, Popeyes, Jollibee, The Pizza Company, Subway,…Việc thâm nhập vào các chuỗi đồ ăn nhanh, nhà hàng là điểm khác biệt trong chiến lược marketing của Cholimex Food mà các đối thủ cạnh tranh chưa thể làm được.

9.1 Cung cấp sản phẩm với dung tích phù hợp

Với thế mạnh về sự đa dạng trong sản phẩm, Cholimex đã cung cấp cho đối tác các sản phẩm với dung tích đa dạng tùy theo mục đích sử dụng. Ví dụ như với Pizza Hut, Cholimex cung cấp sản phẩm dạng chai 270g để phục vụ tại bàn ăn và dạng gói cho các đơn hàng mang đi. KFC lại sử dụng dạng can to để chiết sang bình bơm để phục vụ khách hàng ăn tại chỗ.

Xem thêm:

9.2 Riêng biệt hóa sản phẩm theo yêu cầu của đối tác

Khi cung cấp sản phẩm cho các đối tác lớn, Cholimex Food luôn sẵn sàng hỗ trợ thay đổi một số đặc điểm của sản phẩm theo yêu cầu của đối tác. Đầu tiên là yếu tố dễ nhận thấy như bao bì. Với mỗi hàng đồ ăn nhanh khác nhau, bao bì sẽ được thay đổi sao cho phù hợp. Ngoài ra hương vị của sản phẩm cũng được điều chỉnh cho phù hợp với hương vị của món ăn hơn. Ví dụ như tương ớt Cholimex cung cấp cho KFC được thực khách nhận xét là có vị ngọt vừa và ít cay hơn.
cholimex food bao bì cho đối tác

Gói tương cà của Cholimex Food đang lưu hành trên thị trường (trái) và gói tương cà Cholimex Food cung cấp cho Popeyes (phải).

10. Tạm kết

Dù không đẩy mạnh quảng bá nhưng chiến lược marketing của Cholimex Food vẫn thành công chinh phục khách hàng nhờ vào chiến lược tốt về sản phẩm, giá và phân phối. Đây là ba yếu tố cốt lõi giúp Cholimex Food trở thành một trong những công ty dẫn đầu trong ngành gia vị. Theo dõi chuyên mục Nhà hàng số để cập nhật thêm những phân tích chi tiết về các Case Study nổi bật trong ngành F&B.

5/5 - (11 bình chọn)
Hải Vân
Hải Vân
Là một người đam mê nghiên cứu về lĩnh vực Marketing và Truyền thông. Hiện nay Hải Vân đang giữ vai trò Content Writer tại Nhà hàng số.
Để lại một câu trả lời

Share bài viết:

Bài viết nổi bật

5 tin tức bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những tin tức nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Mọi người đang đọc
Related

Chiến lược marketing của 7UP: Cú “lội ngược dòng” ngoạn mục 

Chiến lược marketing của 7UP ghi dấu ấn nhờ...

Chiến lược Marketing của Oishi – Thấu hiểu và tư duy đa chiều

Các chiến lược Marketing của Oishi độc đáo, táo...

Chiến lược Marketing của Fami: Coi trọng giá trị gia đình Việt

Chiến lược marketing độc đáo của Fami đã giúp...

Chiến lược marketing của Acecook – Thương hiệu quốc dân đầy tín nhiệm

Chiến lược marketing của Acecook, thương hiệu mỳ quốc...