Masan thâu tóm Phúc Long khi tiếp tục chi hơn 3600 tỷ đồng để mua thêm 34% cổ phần, nâng định giá chuỗi gấp 6 lần chỉ sau 1 năm
Năm 2021, kế hoạch Masan thâu tóm Phúc Long bắt đầu được thực hiện. Masan mua lại cổ phần Phúc Long với một cái giá đắt hơn mặt bằng chung của thị trường khiến nhiều người xôn xao. Xong, qua Báo cáo tài chính (BCTC) thì có thể nhìn thấy được lý do qua doanh thu “cực khủng” sau khi mua lại Phúc Long của Masan. Ngày 01/08/2022 vừa qua, Masan lại tiếp tục mua 34% cổ phần của Phúc Long với giá hơn 3600 tỷ đồng. Động thái này đã nâng định giá chuỗi Phúc Long tăng gấp 6 lần chỉ sau 1 năm.
Nội dung
- 1. Tổng quan về thị trường đồ uống Việt Nam
- 2. Vài nét về thương hiệu Phúc Long
- 3. Masan thâu tóm Phúc Long: Bước đầu sở hữu
- 4. Masan thâu tóm Phúc Long: Định giá tăng gấp 5 lần chỉ sau hơn 7 tháng
- 5. Masan thâu tóm Phúc Long với định giá trăm triệu đô: Kết quả kinh doanh giải đáp tất cả!
- 6. Masan chi hơn 3600 tỷ đồng để thâu tóm thêm 34% cổ phần Phúc Long
- 7. Tạm kết
1. Tổng quan về thị trường đồ uống Việt Nam
Để hiểu rõ hơn câu chuyện Masan thâu tóm Phúc Long, một cái nhìn tổng quan về thị trường trà, cà phê, trà sữa là điều cần thiết.
Báo cáo mới nhất của Mordor Intelligence Inc đưa ra dự đoán rằng ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép, cán mốc 8,65% trong giai đoạn 2021 – 2026.
Riêng đối với thị trường tiêu thụ cafe, tính đến tháng 06/2022, số lượng quán cafe đã tăng trưởng 24,37% so với cùng kỳ năm trước (số liệu do iPOS.vn cung cấp). Euromonitor International cũng đưa ra nhận định rằng giá trị ngành cà phe và trà Việt Nam ước tính đạt 1 tỷ USD hàng năm.
Momentum Works trong báo cáo mới đây cho biết, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về tiêu thụ trà sữa. Cụ thể, người Việt chi 362 triệu USD (khoảng 8400 tỷ đồng) cho trà sữa.
Xu hướng thảo luận về các loại đồ uống trên mạng xã hội cũng chỉ ra những thói quen tiêu dùng của người Việt. Trong Bản tin F&B tháng 7/2022 của Reputa, kết quả như sau. Dẫn đầu đanh sách là Trà sữa với hơn 38% lượt thảo luận. Tiếp đến, Trà chiếm 26,03% và Cà phê là 14,98%.
Những con số vừa rồi đủ cho thấy rằng kinh doanh trà, cà phê và trà sữa tại Việt Nam có nhiều dư địa đến mức nào. Một phần lý giải sự tăng trưởng của Phúc Long sau khi Masan thâu tóm.
2. Vài nét về thương hiệu Phúc Long
Tự hào là thương hiệu người Việt, cho đến nay, Phúc Long đã nâng tầm trà và cà phê Việt Nam. Thành lập năm 1968 bởi ông Lâm Bội Minh, Phúc Long chọn được một lối đi riêng để cạnh tranh với những “gã khổng lồ”. Năm 2000, chính thức thành lập Công ty TNNH Sản xuất và Thương mại Phúc Long.
Dòng sản phẩm chính của Phúc Long là trà và trà sữa. Bên cạnh đó, cà phê cũng được Phúc Long cung cấp nhưng không quá nổi bật.
Với phương châm chất lượng hàng đầu, Phúc Long làm chủ mọi khâu trong quy trình sản phẩm. Thương hiệu này chủ động về nguồn nguyên liệu, đầu vào và đầu ra. Giai đoạn 2016 – 2019, Phúc Long ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng. Tổng doanh thu 2019 đạt 779 tỷ đồng, tăng 65% so với 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận so với doanh thu lại là không đáng kể.
Doanh thu Phúc Long trước thời điểm Masan mua lại cổ phần.
Vậy lý do gì khiến Masan thâu tóm Phúc Long với định giá trăm triệu đô? Cùng Nhà Hàng Số nhìn lại hành trình Masan mua cổ phần thương hiệu Việt Này ngay nhé!
3. Masan thâu tóm Phúc Long: Bước đầu sở hữu
Thương vụ Masan mua lại Phúc Long bắt đầu từ tháng 05/2021. Thời điểm đó, Masan quyết định mua 20% cổ phần Phúc Long với giá 346 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc định giá Phúc Long tại thời điểm đó là khoảng 75 triệu USD.
Thương vụ này nhằm hướng đến việc mở rộng nhanh chóng quy mô của Phúc Long qua mô hình “kiosk Phúc Long”. Điều này được thực hiện thông qua mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng VinMart và VinMart+ (hiện là WinMart). Ông Lâm Bội Minh, nhà sáng lập của thương hiệu Phúc Long cho rằng đây sẽ là bước tiến giúp Phúc Long đạt được tầm cao mới.
4. Masan thâu tóm Phúc Long: Định giá tăng gấp 5 lần chỉ sau hơn 7 tháng
Vào tháng 01/2022, Masan tiếp tục tiến hành mua thêm 31% cổ phần Phúc Long với giá 2490 tỷ đồng. Động thái này đã nâng tổng cổ phần Masan sở hữu lên 51%, chuyển Phúc Long từ công ty liên kết thành công ty con sở hữu gián tiếp.
Ở thương vụ này, Masan đã định giá Phúc Long ở mức giá 355 triệu USD, tương đương khoảng hơn 8.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau hơn 7 tháng, định giá chuỗi Phúc Long đã tăng gấp 5 lần.
Cửa hàng của Phúc Long
Thời điểm đó, rất nhiều người bàn luận về thương vụ này. Trên các diễn đàn tài chính, nhiều người cho rằng định giá Phúc Long quá đắt. Với mức giá đó, khi tính P/E đã rơi vào khoảng 15 lần. Nhưng điều này có thể hiểu được bởi thương vụ này nhằm mua kiểm soát chứ không phải mua cổ phần thông thường.
Nhiều người đưa ra giải thích rằng, Phúc Long là mảnh ghép phù hợp trong chiến lược Point of Life của Masan. Sở hữu Phúc Long sẽ có thể giúp Masan gây dựng thương hiệu đồ uống tích hợp với hệ thống Winmart, với chi phí thấp hơn nhiều. Đó cũng có thể là lý do mà Masan thâu tóm Phúc Long với mức định giá khá cao.
5. Masan thâu tóm Phúc Long với định giá trăm triệu đô: Kết quả kinh doanh giải đáp tất cả!
Xét về những lợi ích mà hai bên đạt được, có thể nói thương vụ Masan thâu tóm Phúc Long là một thương vụ đôi bên cùng có lợi.
Với Phúc Long, trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua khi hầu hết các danh nghiệp F&B đều điêu đứng thì thương hiệu này lại đứng vững và vẫn có những bước tăng trưởng doanh thu. Quy mô cửa hàng của Phúc Long đã tăng lên đáng kể. Tính đến tháng 02/2022, Phúc Long đã có hơn 600 kiosk tại các siêu thị WinMart. Số cửa hàng độc lập đạt mức 84. Báo cáo cuối quý I năm nay cho biết chuỗi Phúc Long đã tăng lên 78 cửa hàng flagship. Số kiosk là 760 và 13 cửa hàng nhỏ.
Masan cũng đã hợp nhất kế quả kinh doanh của chuỗi Phúc Long vào tập đoàn trong tháng 2 và 3 của quý I/2022. Theo Báo cáo tài chính của Masan, doanh thu thuần của chuỗi Phúc Long là 2577 tỷ đồng. 70% doanh thu đến từ các cửa hàng lớn, tương đương khoảng 180 tỷ đồng. Mức lãi gộp đạt 176 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận gộp đạt mức 68,6%. Nếu tính theo hệ số Ebitda, đường biên đạt 17,3% tương đương 47 tỷ đồng.
*EBITDA là lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao và khấu trừ.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu ghi nhận của Phúc Long đạt mức 820 tỷ đồng. Con số này tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước. Masan cũng đồng thời cho biết mức doanh thu để hòa vốn các cửa hàng Winmart có Phúc Long thấp hơn 15% so với những cửa hàng không có kiosk. Điều này giúp cải thiện biên EBITDA lên gần 4%.
6. Masan chi hơn 3600 tỷ đồng để thâu tóm thêm 34% cổ phần Phúc Long
Kết quả kinh doanh lạc quan. Thêm vào đó, Phúc Long là mảnh ghép phù hợp với chiến lược Point of Life của Masan. Chính vì vậy, trong tháng 8 này, tập đoàn tiếp tục nâng mức cổ phần sở hữu lên 85%. Cụ thể, Masan mua thêm 34% cổ phần Phúc Long với giá 3.617.700 triệu đồng. Thương vụ này đã nâng mức định giá của Phúc Long lên 10.640 tỷ đồng, tương đương 450 triệu USD.
Như vậy, chỉ sau hơn 1 năm kể từ lần mua đầu tiên vào tháng 05/2021, định giá Phúc Long đã tăng gấp 6 lần. Ở lần mua thứ 3 này, Masan cho biết khoản lãi từ định giá lại sẽ được ghi nhận tại Lợi nhuận sau thuế thay vì ghi nhận trong doanh thu tài chính.
Trong lần mua thứ 3 này, khoản lãi từ định giá lại sẽ không ghi nhận trong doanh thu tài chính mà được ghi nhận tại Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thuộc Bảng cân đối kế toán.
7. Tạm kết
Nhìn chung, thị trường tiêu thụ trà và cà phê Việt Nam là một “mảnh đất màu mỡ”. Xong, để trụ vững và phát triển ổn định trên mảnh đất này không phải điều dễ dàng. Một báo cáo của Momentum Works cho biết tỷ suất lợi nhuận gộp trên sản phẩm của ngành đồ uống đạt 60 – 70%. Tuy nhiên, khá ít công ty có thể duy trì mức lợi nhuận ở quy mô lớn.
Thương vụ Masan thâu tóm Phúc Long cho thấy được trong thương trường, sự phù hợp là yếu tố tiên quyết để hợp tác phát triển. Phúc Long đã “khôn ngoan” khi bán lại tới 85% cổ phần cho Masan. Vừa đẩy nhanh việc mở rộng quy mô, thương hiệu đồng thời trở thành một trong những Big4 về Trà và Cà phê tại Việt Nam.
Liệu rằng Masan có tiếp tục mua thêm để thâu tóm toàn bộ Phúc Long không vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Với tình hình kinh doanh hiện tại, có thể tập đoàn này sẽ hướng đến việc mua lại hoàn toàn Phúc Long nhằm phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện chuỗi WinMart.
Đồng hành cùng Nhà Hàng Số để theo dõi thêm những cập nhật mới nhất xoay quanh thương vụ Masan thâu tóm Phúc Long này nhé. Chuyên mục chuyển động F&B mang đến những tin tức mới nhất, số liệu chính xác cùng những cập nhật về thị trường F&B tại Việt Nam và trên toàn thế giới!