Mở quán trà sữa gần trường học là lựa chọn của nhiều start-up bởi ưu điểm vượt trội cùng thị trường màu mỡ của mặt hàng này.
Thị trường trà sữa đạt đến độ “bão hòa” trong mấy năm gần đây. Phân khúc khách hàng của trà sữa gồm hai nhóm đối tượng, học sinh sinh viên và người đã đi làm. Đối với phân khúc học sinh sinh viên, bạn nên lựa chọn mở quán trà sữa gần trường học. Bài viết dưới đây, Nhà Hàng Số sẽ giải đáp tất tần tật các vấn đề liên quan đến mở quán trà sữa gần trường học.
Nội dung
- 1. Tại sao bạn nên mở quán trà sữa gần trường học?
- 2. Các bước mở quán trà sữa gần trường học
- Bước 1: Xác định nhu cầu nhóm khách hàng mục tiêu
- Bước 2. Xác định nguồn chi phí kinh doanh
- Bước 3: Nghiên cứu thị trường và đối thủ cạnh tranh
- Bước 4: Lựa chọn thương hiệu quán trà sữa
- Bước 5: Thiết kế và thi công nội thất
- Bước 6: Xây dựng và hoàn thiện thực đơn
- Bước 7 : Mua máy móc và nguyên vật liệu
- Bước 8: Hoàn thành thủ tục pháp lý
- Bước 9: Đào tạo nhân viên
- Bước 10: Vận hành quán trà sữa
- Bước 11: Xây dựng chiến lược Marketing quán
- 3. Lựa chọn mô hình khi mở quán trà sữa gần trường học
- 4. Tổng kết
1. Tại sao bạn nên mở quán trà sữa gần trường học?
Ngày 16/8/2022, một báo cáo của Momentum Works và Qlub (công ty giải pháp thanh toán kỹ thuật số) xuất ra kết quả giàu tiềm năng về thị trường trà sữa. Cụ thể, công nghiệp sản xuất trà sữa ở Đông Nam Á đạt doanh thu 3,66 tỷ USD.
Cũng từ số liệu báo cáo này, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 trong khu vực với doanh thu lên đến 362 triệu USD. Đứng sau hai thị trường khổng lồ là Indonesia (1,6 tỷ USD) và Thái Lan (749 triệu USD) trong năm 2021.
Cũng trong một đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường trà sữa ở Việt Nam là khoảng 20%. Quy mô đã đạt gần 300 triệu USD tính từ năm 2017. Ở Việt Nam, trà sữa chễm chệ ở vị trí thứ 2 về lượng người ưa chuộng. Có đến 23% số người sử dụng, trong đó 53% là nữ. Độ tuổi trung bình từ 15-22 chiếm 35%.
1.1. Vị trí mặt bằng “đắc địa”
Khi bạn xác định mở quán trà sữa gần trường học, có nghĩa là bạn đã xác định nhóm khách hàng tiềm năng là học sinh, sinh viên. Vì vậy, vị trí ở gần trường học vô cùng thuận lợi để bạn tiếp cận nhóm khách hàng mục tiêu của mình.
1.2. Số lượng khách hàng tiềm năng lớn
Học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng khách hàng đông đảo. Hướng kinh doanh của bạn đến nhóm khách hàng này, bạn sẽ không lo thiếu khách hàng. Không chỉ vậy, nhu cầu của nhóm học sinh sinh viên cũng tương đối dễ nắm bắt. Bạn sẽ không phải dành quá nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu khách hàng.
1.3. Marketing thuận lợi
Mở quán trà sữa gần trường học, khách hàng sẽ dễ dàng nhìn thấy và tiếp cận sản phẩm của bạn. Bạn không phải mất quá nhiều chi phí quảng cáo để tiếp cận khách hàng mục tiêu của mình.
Tiếp theo, đối tượng khách hàng mục tiêu là học sinh, sinh viên nên cách quảng cáo và tiếp cận cũng dễ dàng thuận tiện hơn.
1.4. Mô hình đa dạng
Có rất nhiều mô hình quán trà sữa để bạn lựa chọn. Không giống như phân khúc khách hàng tầm cao, học sinh sinh viên sẽ không yêu cầu quá cao về không gian, diện tích quán. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể có nhiều lựa chọn như mô hình take away, trà sữa buffet, trà sữa di động,…
Do mô hình kinh doanh đa dạng, nên chi phí cũng ở trong tầm tay. Chi phí cao thấp tùy bạn quyết định. Tuy nhiên nếu bạn chưa có nhiều chi phí cũng hoàn toàn có thể khởi nghiệp được bằng mô hình quán trà sữa nhỏ.
Với những lý do đó, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu mở quán trà sữa gần trường học. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, thì nhược điểm của mô hình này là đối thủ cạnh tranh gắt gao. Vì đây là thị trường tiềm năng, nên ai cũng muốn thử sức khởi nghiệp.
2. Các bước mở quán trà sữa gần trường học
Bước 1: Xác định nhu cầu nhóm khách hàng mục tiêu
Khi bạn lựa chọn mở quán trà sữa gần trường học, nhóm khách hàng tiềm năng của bạn chắc chắn là học sinh, sinh viên. Bạn cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng nhu cầu, nguyện vọng, mong muốn của nhóm đối tượng này. Đây là yếu tố quyết định đến 99% các bước tiếp theo.
Học sinh sinh viên là nhóm người chưa độc lập về kinh tế, còn phụ thuộc vào gia đình nên không thể chi quá nhiều tiền vào đồ uống. Đây là nhóm đối tượng thích sự mới mẻ, tươi trẻ và đa dạng. Bạn cần hiểu được nhóm khách hàng của bạn là ai, từ đó tiến hành phát triển mô hình kinh doanh phù hợp.
Bên cạnh học sinh sinh viên, quán trà sữa gần trường học cũng có thể có phụ huynh, dân văn phòng sử dụng sản phẩm. Bạn cũng cần đảm bảo chất lượng và mẫu mã sản phẩm phù hợp với nhóm khách hàng này.
Bước 2. Xác định nguồn chi phí kinh doanh
Để mở quán trà sữa gần trường học, bạn cần những chi phí cơ bản như sau:
- Chi phí mặt bằng đảm bảo hoạt động trong vòng 6 tháng. Chi phí này tùy theo từng diện tích lớn hay bé, rộng hay hẹp để tính giá cả thuê. Đặt biệt còn tính đến yếu tố vị trí địa lý bạn mở ở thành thị hay nông thôn. Tuy nhiên, mặt bằng ở gần trường học sẽ đắt đỏ hơn so với các vị trí khác.
- Chi phí nội thất và thiết kế quán tùy thuộc vào diện tích của quán. Giá cả thi công sẽ được tính theo từng mét vuông và từng đơn vị thi công nhất định.
- Chi phí trang thiết bị bao gồm nguyên vật liệu làm trà sữa, các dụng cụ pha chế trà sữa.
- Chi phí duy trì hoạt động: nhân viên, tiền điện nước,…
- Chi phí marketing, chi phí phát sinh khác cũng cần tính toán đến. Bạn cũng nên dự trù một khoản chi phí phòng khi vài tháng đầu kinh doanh chưa có lãi.
Bước 3: Nghiên cứu thị trường và đối thủ cạnh tranh
Thị trường Trà sữa nơi bạn định kinh doanh như thế nào? Đã có nhiều quán trà sữa gần trường học chưa? Có nhiều đối thủ cạnh tranh không? Đối thủ sử dụng các phương pháp marketing như thế nào? Thực đơn của đối thủ như thế nào? Bạn phải nghiên cứu và nắm được các chiến lược của đối thủ. Từ đó có chiến lược lên thực đơn, quảng cáo phù hợp cho quán trà sữa của mình.
Mở quán trà sữa gần trường học thì đối thủ cạnh tranh chính các quán trà sữa gần trường học. Học những mẹo kinh doanh từ đối thủ và thị trường, nhìn thấy những hạn chế của đối thủ để tránh cho quán mình cũng là một giải pháp hay. Bạn phải hiểu đối thủ của bạn làm gì, đó là bước đầu tiên để bạn kinh doanh thuận lợi và không bị bỡ ngỡ.
Nghiên cứu thị trường cũng chính là nghiên cứu nhu cầu, mong muốn và nguyện vọng của khách hàng. Bạn có thể tiến hành khảo những cuộc khảo sát nhỏ về nhu cầu của các bạn học sinh, sinh viên. Những người trong độ tuổi từ 10-23 về những nhu cầu, sở thích, thói quen của họ về trà sữa. Từ đó lên ý tưởng thực đơn cũng như bài trí cho quán trà sữa.
Bước 4: Lựa chọn thương hiệu quán trà sữa
Có hai lựa chọn để khi bạn mở quán trà sữa gần trường học.
Mua thương hiệu có sẵn
Nếu nguồn chi phí cho phép, bạn có thể mua thương hiệu có sẵn từ trước. Hiện tại có nhiều thương hiệu trà sữa bán thương hiệu như Gongcha, KOI, Chago,… Bạn có thể cân nhắc những thương hiệu này.
Ưu điểm của loại hình này là bạn không phải lo lắng về việc quảng bá thương hiệu. Vì khách hàng đã quá quen thuộc. Nhược điểm và khó khăn lớn nhất là vấn đề tài chính. Để mua được thương hiệu trà sữa, bạn phải sở hữu ít nhất trên 300 triệu tiền vốn. Giải pháp này không dành cho những start-up có nguồn vốn hạn hẹp.
Xây dựng từ số 0
Ngược lại với mua thương hiệu, xây dựng thương hiệu từ đầu sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên đổi lại, bạn phải thâm nhập vào thị trường từ đầu và phải mất thời gian để đưa thương hiệu đến khách hàng.
Bước 5: Thiết kế và thi công nội thất
Nội thất quán nên dựa trên thị hiếu, sở thích của khách hàng là học sinh, sinh viên. Nhóm khách hàng này hướng đến sự trẻ trung, sôi động. View quán chill để thuận tiện cho việc check-in cũng là một phương án phù hợp.
Đối với nhóm khách hàng này, không gian quán không cần quá sang trọng hoặc nghiêm túc. Bạn có thể thiết kế thêm giá sách, những bức tranh kèm theo âm nhạc trẻ trung cũng đã thu hút khách hàng.
Đối với nội thất trong quán, tùy vào nguồn kinh phí bạn quyết định giá cả phù hợp. Tuy nhiên, nhóm đối tượng học sinh sinh viên thích lựa chọn không gian thoải mái, thuận tiện.
Bạn có thể thuê đội thi công hoặc kiến trúc sư về để nhận được tư vấn hợp lý nhất.
Bước 6: Xây dựng và hoàn thiện thực đơn
Thực đơn và sản phẩm chính là phần lõi quyết định việc khách hàng quay trở lại với quán của bạn hay không. Trước khi mở quán trà sữa ở trường học, bạn hãy đảm bảo mình đã trang bị đầy đủ các kiến thức về trà sữa. Bạn có thể tự học hoặc tham gia một số khóa học uy tín về pha chế trà sữa.
Thực đơn của quán bạn nên có nhiều lựa chọn. Vì nhóm khách hàng là học sinh sinh viên, nên nhóm khách hàng này dễ dàng bị thu hút bởi sự đa dạng của sản phẩm. Thực đơn đa dạng nhưng đừng quên xây dựng sự độc đáo riêng trong trà sữa của mình. Đây chính là điều khách hàng nhớ tới sản phẩm của bạn đầu tiên. Sự độc đáo này phải do chính bạn tìm ra và nghiên cứu được.
Một bật mí giúp thực đơn quán hấp dẫn hơn là topping. Bạn hãy “sắm” cho quán một danh sách topping thật đa dạng và chất lượng. Bạn sẽ không phải thất vọng khi làm việc này. Theo một khảo sát, 50% khách hàng lựa chọn mua lại trà sữa là do chất lượng của topping.
Bước 7 : Mua máy móc và nguyên vật liệu
Tên trang thiết bị |
Đặc điểm |
Chi phí dự trù |
Máy dập nắp | Tự động hoặc thủ công Công dụng: dập nắp sản phẩm để mang đi hoặc dùng tại quán; tạo sự chuyên nghiệp cho quán. |
Tự động: 12 triệu Thủ công: 5 triệu |
Bình ủ trà | Công dụng: ủ và bảo quản trà tốt nhất Dung tích 12 lít |
1 triệu/bình Số lượng: 2-3 bình |
Nồi nấu trà | Nấu trà sữa Dung tích 5-12 lít |
300k-500k/nồi Số lượng: 2-3 nồi |
Máy xay (có hoặc không) | Xay đá, xay các loại đồ uống khác | 500k-1 triệu/máy xay |
Tủ lạnh | Bảo quản nguyên liệu, trà sữa | 5-7 triệu/tủ Số lượng: 1-2 tủ |
Máy định lượng đường | Chia tỉ lệ đường phù hợp giúp trà sữa chuẩn vị | 2-3 triệu/máy Số lượng: 1-2 |
Cốc nhựa | Đựng trà sữa | 1000-3000 cái 3k-5k/chiếc |
Trà, sữa tươi, sữa đặc | Nguyên liệu chính | Tùy số lượng và nguồn nhập |
Topping | Trân châu các loại, nha đam, thạch dừa, siro,…> | Tùy số lượng và nguồn nhập |
Lưu ý:
- Nguyên vật liệu và trang thiết bị đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
- Đàm phán với bên mua để có được giá cả phù hợp nhất
- Topping liên tục cập nhật để đa dạng hóa thực đơn trà sữa
- Bảng thống kê chỉ mang tính ước lượng, tùy vào tình hình thực tế để mua phù hợp
Bước 8: Hoàn thành thủ tục pháp lý
Thủ tục pháp lý khi mở quán trà sữa gần trường học tương đối đơn giản. Bạn cần hoàn thành giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Những giấy tờ pháp lý này bình thường tưởng chừng như không có tác dụng rõ rệt. Tuy nhiên nếu quán của bạn vướng vào những vấn đề pháp lý, bạn sẽ được pháp luật bảo vệ.
Bước 9: Đào tạo nhân viên
Tùy vào diện tích quán, bạn lựa chọn số lượng nhân viên phù hợp. Nhân viên có thể tuyển theo hình thức part-time hoặc full-time. Nếu bạn đã có kiến thức vững chắc về pha trà sữa, có thể đào tạo thêm nhân viên. Còn nếu chưa có, bạn nên tuyển người có kiến thức về trà sữa. Tuy nhiên, khuyến khích việc bạn trở thành người pha chế chính và làm chủ hương vị của quán mình.
Bước 10: Vận hành quán trà sữa
Sau khi chuẩn bị những bước trên, về cơ bản quán trà sữa gần trường học của bạn đã có thể đi vào hoạt động. Việc của người quản lý là phải vận hành từng bộ phận thật trơn tru. Từ khâu pha chế, phục vụ đến thanh toán, hãy training và tập dượt để đảm bảo nhân viên đã sẵn sàng đi vào phục vụ.
Trước khi khai trương bạn có thể cho chạy thử bằng cách mời bạn bè hoặc mở cửa đón khách. Từ việc quan sát quá trình này, bạn sẽ nhìn thấy những vấn đề quán gặp phải khi đi vào hoạt động.
Bước 11: Xây dựng chiến lược Marketing quán
Chiến lược marketing khi mở quán trà sữa gần trường học được chia thành ba giai đoạn:
Trước khi mở quán
- Xây dựng fanpage, các kênh trên nền tảng mạng xã hội
- Thông tin về việc khai trương quán trà sữa
- Quảng cáo về chương trình khuyến mãi, tri ân khách hàng
Khai trương
- Thực hiện chương trình khuyến mãi: mua 1 tặng 1, tặng voucher, giảm giá,…
- Kêu gọi tương tác trên page của quán
- Mời khách mời nổi tiếng
- Ưu đãi cho 100 khách hàng đầu tiên
Giai đoạn vận hành
- Liên kết với các nền tảng đồ uống: Now, Foody, Beamin,…
- Phát tờ rơi quảng cáo cho quán
- Chạy quảng cáo trên mạng xã hội
- Lưu ý khi quảng cáo
- Chi phí ngân sách phù hợp
Xem thêm:
3. Lựa chọn mô hình khi mở quán trà sữa gần trường học
3.1. Nghiên cứu “insight khách hàng”
Đối với việc mở quán trà sữa gần trường học, việc lựa chọn mô hình trà sữa tương đối đơn giản. Lấy khách hàng mục tiêu là trung tâm, bạn sẽ lựa chọn mô hình trà sữa phù hợp với nhu cầu nguyện vọng của khách hàng. Lợi thế của việc mở quán trà sữa gần trường học là bạn không cần tốn thêm thời gian nghiên cứu và tìm khách hàng mục tiêu.
Số lượng học sinh sinh viên rất đông đảo. Việc của bạn là tìm hiểu và nghiên cứu sở thích, xu hướng của họ. Để làm được điều này, bạn phải nghiên cứu những vấn đề sau:
Không gian khách hàng yêu thích? Thiết kế không gian như thế nào? Mức giá phù hợp? Thực đơn mong muốn? Khả năng chi trả, tài chính? Những việc khách hàng thường làm khi đến quán trà sữa? Mang đi hay uống tại chỗ nhiều hơn?
3.2. Một số mô hình khi mở quán trà sữa gần trường học
Hình thức take away, trà sữa mang đi: hình thức chủ yếu là xe đẩy hoặc quầy bán hàng lưu động. Quầy lưu động này phù hợp với mức giá bán thấp, menu đơn giản, phục vụ nhanh chóng và tiện lợi.
Hình thức trà sữa buffet: học sinh sinh viên sẽ rất ưa chuộng loại hình này. Thực đơn đa dạng, topping đầy đủ, khách hàng sẽ lựa chọn thỏa thích.
Mô hình trà sữa lớn: hình thức này phù hợp với vị trí ở gần các trường đại học. Phục vụ cho nhóm đối tượng sinh viên có điều kiện chi trả ở thành phố lớn. Những quán trà sữa này cần có không gian thoáng đãng để học sinh, sinh viên có nơi học tập, làm việc.
Mô hình trà sữa kết hợp đồ ăn vặt: mô hình này là quán trà sữa nhỏ, triển khai đa dạng các thức ăn phong phú như đồ ăn vật, xiên, chè,… Hình thức này phù hợp với nhóm học sinh sinh viên thích ngồi lại quán để ăn và trò chuyện.
3.3. Lưu ý khi lựa chọn mô hình mở quán trà sữa gần trường học
Một lời khuyên dành cho những start-up là cân đối chi phí hợp lý. Bạn nên lựa chọn mô hình quán trà sữa gần trường học phù hợp với số vốn mà mình có. Tránh việc kinh doanh với nguồn vốn quá lớn dẫn đến việc thâm hụt ngân sách. Việc duy trì kinh doanh cần thời gian, vì vậy phải tính toán việc chi tiêu hợp lý. Khuyến khích việc để dư một số vốn dự trù, tránh trường hợp mấy tháng đầu chưa có lãi.
Quan sát thị trường và quan sát đối thủ. Nếu nơi bạn định mở quán trà sữa đã có một số mô hình nhất định, nên tránh việc kinh doanh giống với đối thủ. Vì thị phần của đối thủ ở khu vực đó đã có sẵn nên việc bạn chen chân vào quán của bạn sẽ khó có thể hoạt động tốt.
Xem thêm:
- Bí kíp thiết kế menu trà sữa lôi cuốn, bắt mắt
- Thiết kế menu đồ uống tối ưu hóa doanh thu ngay với tuyệt chiêu này
3.4. Lưu ý thời gian mở cửa
Một điều giúp bạn mở quán trà sữa gần trường học đạt hiệu quả chính là cân đối và thiết lập thời gian hợp lý. Đối với những nhóm khách hàng học sinh sinh viên sẽ tan làm sớm hơn so với người lao động hoặc dân văn phòng. Vì vậy, giờ mở cửa cho học sinh cấp 2 – 3, giao động khoảng 5h30 sáng – 6h sáng. Nếu mở cửa trễ hơn sẽ khiến bạn mất khoảng thời gian phục vụ đầu giờ cho nhóm khách hàng này. Đối với nhóm đối tượng là sinh viên, Nên mở cửa khoảng 6h30-7h45 sáng.
Đối với việc đóng cửa, nên đóng cửa sớm hơn bình thường. Vì thời gian hoạt động của trường học kết thúc thì quán sẽ khá vắng. Trừ các trường hợp quán trà sữa gần trường đại học thì nên mở muộn. Vì có thể có các lớp học buổi tối. Giờ đóng cửa hợp lý sẽ là 8h30- 9h tối.
Việc điều chỉnh hợp lý khung thời gian sẽ giúp bạn không bị lãng phí chi phí thuê nhân viên. Việc mở quán trà sữa trà sữa gần trường học có được lợi thế nhất định. Nhưng không vì thế mà đảm bảo sẽ thành công tuyệt đối. Để thành công, bạn hãy tham khảo và tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ lưỡng trước khi hoạt động.
4. Tổng kết
Với những người đang bắt đầu khởi nghiệp với trà sữa, việc mở quán trà sữa gần trường học tương đối nhiều thách thức dù thị trường tiềm năng. Việc thị trường trà sữa bão hòa khiến một thương hiệu hoàn toàn mới cũng phải đau đầu để chen chân vào. Hiểu được những điều đó, Nhà Hàng Số đã đưa ra kinh nghiệm mở quán trà sữa gần trường học.
Hi vọng với bài viết hôm nay, bạn đã có thể khởi nghiệp thành công với việc mở quán trà sữa gần trường học. Cùng đón đọc các bài viết tiếp theo để có những kinh nghiệm bổ ích nhé.