Kinh tế xoay chiều cùng bối cảnh xã hội, nền công nghiệp F&B liệu sẽ đi về đâu nếu một cuộc suy thoái sẽ diễn ra?
Các nhà kinh tế gần đây đã cảnh báo rằng một cuộc suy thoái có thể xảy ra. Bloomberg Economics dự đoán khả năng xảy ra điều này là 38% trong năm tới. Nhiều người còn lập luận rằng, ngay cả một nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ cũng đã chấp chới trong suy thoái.
Các đợt suy thoái được Forbes Advisor định nghĩa là thời kỳ suy giảm kinh tế do GDP âm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và chi tiêu tiêu dùng thấp. Những điều này có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm, tùy tiến trình lịch sử.
Sau hơn hai năm chật vật vì đại dịch và khủng hoảng nguồn cung toàn cầu, các công ty F&B đang phải xem xét ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu lên doanh nghiệp của họ. Một số thì rất lạc quan về triển vọng của bản thân, nhưng nhiều công ty thuộc nhóm hàng tiêu dùng nhanh (CPG) vẫn chưa biết được liệu họ có được trang bị những thứ cần thiết cho cuộc suy thoái sắp tới hay không.
Dưới đây là những gì mà 5 công ty CPG đã chia sẻ về tình trạng của họ và cách họ chuẩn bị cho cuộc suy thoái kinh tế sắp tới gần:
Nội dung
1.Kế hoạch “tập trung tại nhà” của General Mills
Trong cuộc gọi thu nhập hàng quý gần đây của công ty, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành General Mills – Jeff Harmening cho biết, danh mục đầu tư của họ có khả năng duy trì ổn định khi đối mặt với suy thoái. Trong cuộc Đại suy thoái năm 2008, nhu cầu ăn uống tại nhà của người tiêu dùng tăng lên, nhờ đó giúp ích rất nhiều cho các thương hiệu của công ty.
Harmening nói: “Tôi nghĩ rằng, khi người tiêu dùng trở nên quan tâm hơn đến điều kiện kinh tế của bản thân, họ sẽ có xu hướng nấu các bữa ăn tại gia hơn. Bản thân chúng tôi cũng nhận thấy sự sụt giảm trong lưu lượng khách tới các nhà hàng theo từng năm. Còn trong vài tháng gần đây, mọi người lại thích ăn uống ở nhà hơn”.
Harmening cũng cho biết, người tiêu dùng tuy có lo lắng, nhưng vẫn phải tiêu tiền. Vì lẽ đó, ông cũng nói rằng, nhu cầu mua các sản phẩm của General Mills về cơ bản sẽ không có thay đổi, cho dù giá cả có tăng hay giảm.
Jon Nudi – chủ tịch quản lý hoạt động bán lẻ của General Mills tại Bắc Mỹ nói thêm, trong những đợt suy thoái kinh tế trước dây, công ty đã bán được nhiều sản phẩm hơn trên các danh mục của mình, tăng một hoặc hai phần trăm về tổng sản lượng. Trong những thời điểm ấy, “các nhãn hiệu hạng hai và hạng ba” đã mất thị phần vào tay các công ty nhãn hiệu tư nhân.
2.Mondelēz International: Ăn nhẹ là điều cần thiết
Khi được một nhà phân tích hỏi về việc liệu có cần lo lắng về hiệu quả hoạt động của công ty trong thời kỳ suy thoái hay không, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Modelez International Dirk Van de Put đã trả lời rằng “các danh mục của chúng tôi hoạt động khá tốt trong thời kỳ suy thoái”.
Van de Put đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm dành cho trẻ em, bao gồm bánh quy Oreo, Chips Ahoy và socola Cadbury, bởi lẽ chúng thường sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực trong thời kỳ suy thoái. Người tiêu dùng vẫn coi đây là mặt hàng ưu tiên trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Van de Put cho biết, số lượng đồ ăn nhẹ bán ra của công ty hiện chưa có sự thay đổi, nhưng ông không chắc điều này có thể kéo dài. Ông có đề cập đến Oreo – một thương hiệu phổ biến với thế hệ trẻ và gen Z – như một ví dụ về mặt hàng trong danh mục đầu tư của Mondelez đã duy trì được động lực tiêu dùng.
Trong khi người tiêu dùng có sự gắn bó mật thiết với thương hiệu có khả năng mua lại nhiều hơn, Mondelez lại tập trung “giữ chân” những người tiêu dùng đang tìm cách cắt giảm chi phí. Vị giám đốc nhấn mạnh, công ty ông luôn phải “thông minh” trong cách tiếp cận giá cả.
“Tất cả những gì chúng tôi đang làm là cố gắng trong khả năng của bản thân để chuẩn bị cho một người tiêu dùng có khả năng quay lại mua hàng”, Van de Put nói. “Tuy nhiên cũng có một số xu hướng khó có thể nhận biết như: Người tiêu dùng ngày càng ăn vặt nhiều hơn, sự thích thú của người dùng gia tăng, người dùng trở nên gắn bó hơn với thương hiệu…đôi khi sẽ đóng vai trò cảm tính”.
3.Constellation Brands “tự tin” về khả năng kinh doanh bia
Bill Newlands, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Constellation Brands cho biết trong cuộc họp báo thu nhập hàng quý gần đây nhất của công ty rằng, ông cảm thấy tự tin về doanh số bán hàng trong quý vừa qua. Ông dự đoán rằng, nhu cầu của người tiêu dùng vẫn sẽ tiếp tục tăng, bất chấp một cuộc suy thoái tiềm ẩn.
Khi được một nhà phân tích hỏi rằng doanh nghiệp được định vị như thế nào nếu chi tiêu của người tiêu dùng trở nên yếu hơn, Newlands trả lời rằng, cứ 10 người mua bia thì sẽ có 7 người đã lên kế hoạch mua hàng trước. Ông còn nói, tỷ lệ mua của Constellation – số tiền người tiêu dùng đang chi cho các sản phẩm của hãng, nhân với số lần họ đến cửa hàng – tăng lên so với mức trước đại dịch.
Ông Newlands nói: “Nó có ý nghĩa rất lớn đối với công việc kinh doanh của chúng tôi. “Nó thực sự tăng tốc trong [quý trước] đối với bia so với ba tháng trước đó.”
Ông cho biết Modelo đang hoạt động cực kỳ năng suất, và Corona Extra là sản phẩm đóng góp cho sự tăng trưởng hàng quý mạnh mẽ của Constellation. Newlands cho biết thêm, ông hy vọng năm tới, sự vững chắc của ngành kinh doanh bia sẽ tiếp tục, nhưng vẫn nói thêm rằng “các biến số bí ẩn” trong nền kinh tế vẫn có thể thay đổi mọi thứ.
4.McCormick & Co. đặt cược vào việc nấu ăn tại nhà
Công ty gia vị và nước chấm McCormick & Co. đã phải đối mặt với doanh thu trong quý trước khá thấp do chi phí chuỗi cung ứng cao và các hạn chế về dịch ở Trung Quốc. Thu nhập hoạt động đã điều chỉnh của McCormick & Co. giảm gần 33% trong quý đầu tiên, Giám đốc điều hành Lawrence Kurzius nêu chi tiết trong cuộc gọi thu nhập gần đây nhất của mình.
Ông Kurzius cho biết, bất chấp tình hình này, suy thoái kinh tế ngược lại đã “cải thiện” việc nấu ăn tại nhà và danh mục sản phẩm của họ vẫn kinh doanh tốt trong thời kỳ suy thoái. Tuy nhiên, ông nói thêm, công ty có kế hoạch giữ chân những người tiêu dùng đang phải đối mặt với áp lực kinh tế ngày càng tăng trong năm tới.
“Mục tiêu của chúng tôi là có những sản phẩm thu hút người tiêu dùng ở mọi mức giá trên toàn bộ danh mục,” Kurzius nói. “Và giữa việc ra mắt sản phẩm mới, tiếp thị thương hiệu và hoạt động tiếp thị thương hiệu của chúng tôi, công ty vẫn đang cố gắng tìm ra phương hướng giải quyết áp lực đó đối với người tiêu dùng”.
Phương hướng hành động có thể là giảm giá các mặt hàng có kích thước nhỏ hơn, Giám đốc điều hành của công ty kiêm Chủ tịch Brendan Foley tiết lộ. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nhiều người tiêu dùng đang chuyển sang các mặt hàng có kích thước lớn hơn vì chúng có giá trị hơn.
“Đó là những điều mà chúng tôi đang hướng đến để thúc đẩy phân phối nhiều hơn nữa các mặt hàng trong chủng loại, phục vụ những nhu cầu và mức giá mà người tiêu dùng đang tìm kiếm,” Foley nói.
5.Kraft Heinz chuyển sang kích thước bao bì mới, định giá theo giá trị
Tại Hội nghị quyết định chiến lược hàng năm của Bernstein vào tháng trước, Giám đốc điều hành Kraft Heinz – Miguel Patricio, đã được hỏi về những điều công ty đang làm để giảm thiểu tác động của lạm phát đối với người tiêu dùng.
Patricio đã trả lời, mặc dù công ty đã tăng giá trong năm nay nhưng đó lại không phải trọng tâm duy nhất mà họ hướng đến. Ông nói, một chiến lược mà Kraft Heinz đã áp dụng là thay đổi kích thước và chủng loại bao bì cho gần như tất cả các thương hiệu chính. Đáng chú ý, họ đang thử nghiệm các gói nhỏ hơn cho pho mát Kraft Singles và Mac & Cheese, cũng như gói phổ thông với 12 chai tương cà.
Vị giám đốc điều hành cho biết, Kraft Heinz đang hoạt động như thể cuộc suy thoái đang diễn ra thực sự. Ông nói, việc tiêu thụ các sản phẩm của công ty không hề suy giảm, nhưng suy thoái kinh tế “có thể đến bất cứ lúc nào và mọi người luôn phải sẵn sàng cho điều đó”.
Patricio còn chia sẻ thêm, công ty đang thử nghiệm quảng cáo các sản phẩm của mình như nguyên liệu trong các bữa ăn – như pho mát và sốt mayonnaise để làm pho mát nướng – và cho người tiêu dùng biết bữa ăn hoàn chỉnh sẽ có giá bao nhiêu. Ông so sánh chiến lược này với các công ty đồ ăn nhanh bán các bữa ăn giá trị.
“Chúng tôi phát hiện ra công ty có triển vọng tốt về mặt giá trị nếu có khả năng truyền đạt nó theo cách đúng đắn,” Patricio nói.