Thương nhân nước ngoài cần nắm rõ điểm yếu để cải thiện và tìm phương án cải thiện khi chọn thị trường Việt Nam làm nơi gửi gắm cho việc kinh doanh cà phê
Cà phê là hương vị quen thuộc và đặc biệt đối với người Việt Nam. Thói quen nhâm nhi một tách cà phê mỗi buổi sáng đã trở thành thói quen của nhiều người. Sự “thịnh hành” của thức uống này trở thành cơ hội cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài mở rộng kinh doanh thức uống này. Nhưng đi kèm với những cơ hội luôn là những thách thức lớn cần phải vượt qua. Cùng tìm hiểu những khó khăn ấy là gì qua bài viết dưới đây nhé!
Nội dung
1. Việt Nam có “văn hóa” cà phê khác biệt
Thói quen uống cà phê buổi sáng đã trở nên phổ biến tại Việt Nam. Đây cũng là một nét văn hóa đặc biệt của người dân nước ta. Mỗi người, mỗi vùng miền sẽ có những phong cách thưởng thức khác nhau.
Cũng vì thế mà mỗi ly cà phê cũng sẽ mang những nét đặc trưng riêng, từ hương vị cho tới cách pha chế, thưởng thức. Từ đó phần nào phản ánh được sở thích, khẩu vị và tính cách của người uống.
Người dân đến từ các vùng miền sẽ có những sở thích khác nhau. Do vậy, hương cà phê của Việt Nam rất đa dạng, cách thức pha chế cũng vô cùng phong phú. Người miền Nam thường ưa vị ngọt hơn. Ngược lại, người miền Bắc lại chuộng vị phin đen đậm vị. Đây chính là một thách thức cho các doanh nghiệp nước ngoài để chinh phục thị trường cà phê Việt Nam.
Không gian, quang cảnh xung quanh cũng là yếu tố quan trọng trong một buổi “đi cà phê” của người Việt. Nhiều người thích cái nét bụi bặm, đơn sơ và “view đường phố” của những quán vỉa hè. Những người khác lại thích cảm giác vừa thưởng thức và đắm mình trong cái vẻ yên tĩnh, bình an hòa cùng tiếng nhạc ballad du dương.
Xã hội ngày càng phát triển, nước ta cũng nhanh chóng cuốn vào vòng xoáy hội nhập. Càng ngày càng nhiều hương vị mới được du nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, nền văn hóa và thói quen khó bỏ của người dân Việt sẽ khiến chúng ta có chút e ngại trong việc làm quen với những hương vị mới.
2. Cà phê đúng “gu” Việt Nam khó ứng dụng
Loại cà phê được nhiều người Việt yêu thích là Robusta. Loại hạt này mang hương vị khá đậm và nồng nàn. Nó có hàm lượng cafein cao gấp đôi so với hạt Arabica. Giá thành của nó tuy thấp hơn Arabica, nhưng tại các quốc gia khác, hầu hết các cửa hàng đều sử dụng hương cà phê dạng bột của Arabica. Vì thế, để “chiều” theo đúng gu của người Việt quả thực là một điều khó khăn.
Để có một ly cà phê thơm ngon, hợp gu người Việt thì khâu pha chế là vô cùng quan trọng. Cần phải pha chế sao cho hợp với khẩu vị của từng vùng miền khác nhau và “bản địa hóa” chúng sao cho gần nhất với hương vị truyền thống. Bên cạnh việc sử dụng hạt, người pha chế cần kết hợp hương cà phê dạng lỏng với các nguyên liệu và gia vị khác nhau để cho ra thành phẩm đúng vị.
3. Giá thành của cà phê chưa tương ứng với mức sống của người Việt Nam
Nước ta vẫn là một quốc gia đang phát triển nên GDP bình quân đầu người vẫn còn thấp. Do đó, việc chi phí của một cốc cà phê “ngoại” quá đắt khiến người dân khó tiếp cận và thưởng thức chúng được. Vì vậy, ngoài chất lượng và hương vị, giá cả cũng là một điều kiện quan trọng để dẫn đến thành công khi kinh doanh cà phê tại Việt Nam. Nếu hương vị cà phê đặc biệt và tạo được dấu ấn trong lòng khách hàng, nhưng lại có quá giá quá đắt, họ cũng không có khả năng thưởng thức nó thường xuyên được.
Do vậy, các doanh nghiệp nước ngoài cần phải cân nhắc thật kỹ đối tượng khách hàng hướng tới. Từ đó cân nhắc các khoản chi phí về nguyên liệu, sản xuất, nhân công…sao cho hợp lý để đưa ra một mức giá phù hợp.
Quá trình tìm hiểu và thiết lập chiến lược rất cần đến những kiến thức về thị trường F&B nội địa. Theo dõi Nhà Hàng Số thường xuyên và đừng bỏ lỡ những bài viết mới trong chuyên mục Chuyển động F&B để tìm hiểu thêm nhé!