Sau khi gọi vốn thành công Shark Tank mùa 4, mô hình khởi nghiệp Vua Cua trở thành hiện tượng tăng trưởng của ngành F&B
Vua Cua – thương hiệu nổi đình đám sau khi lên Shark Tank mùa 4 cùng founder Anh Thư tài năng đã và đang trở thành một hiện tượng trong ngành F&B. Xuất phát từ sở thích “ghiền cua”, với bản lĩnh của mình, Anh Thư biến ý tưởng khởi nghiệp Vua Cua thành thường phát triển vượt bậc. Với những chiến lược khôn ngoan, Anh Thư mang thương hiệu cua của mình vượt qua cơn sóng dịch COVID-19. Đồng thời trở thành thương hiệu có tốc độ tăng trưởng nhanh bậc nhất ngành F&B.
Sau 6 năm phát triển, giờ đây Vua Cua trở thành thương hiệu hải sản quen thuộc với người Việt. Với phương châm “đưa cua đến gần hơn với người tiêu dùng”, lấy khách hàng làm kim chỉ nam, thương hiệu này đã thực sự trở thành một điển hình đáng học hỏi trong lĩnh vực nhà hàng, F&B.
Nội dung
- Những con số không biết nói dối
- Từ sở thích “ghiền cua” đến giấc mơ Vua Cua
- Sự thành công của Vua Cua trước thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ
- “Cái bẫy ngọt ngào” và sự thức tỉnh vượt sóng lớn của Vua Cua
- Các mô hình khởi nghiệp Vua Cua
- Mô hình khởi nghiệp Vua Cua Bike khiến các cá mập tranh giành trên Shark Tank mùa 4
- Khởi nghiệp Vua Cua vượt “sóng” lớn để thành công
- Giấc mơ đem cua Việt Nam vươn tầm thế giới
- Đôi nét về Founder kiêm CEO Vua Cua – Đoàn Thị Anh Thư
Những con số không biết nói dối
Ngành ẩm thực luôn luôn là một ngành hàng tiềm năng. Bởi lẽ ăn uống là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Vua Cua là một thương hiệu xuất phát từ TP.HCM. Chính vì vậy bối cảnh kinh tế – xã hội ở đây sẽ tác động đến những bước tiến ban đầu của thương hiệu.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), dân số thành phố Hồ Chí Minh tính đến 01/04/2019 là khoảng 9 triệu người. Trung bình mỗi năm tăng thêm khoảng 200.000 người. Con số này đủ để thấy mức độ tiềm năng cho ngành ẩm thực chỉ tính riêng tại TP.HCM.
Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 ập đến cũng đã khiến ngành ẩm thực phải chao đảo. Theo khảo sát của VietNam Report, 91% là số doanh nghiệp F&B bị ảnh hưởng ở mức nghiêm trọng trong hai năm 2020 – 2021. Và phải đến quý 01/2022, các doanh nghiệp F&B mới có dấu hiệu phục hồi trở lại.
Mặc cho những thách thức của “miếng bánh” F&B, mô hình khởi nghiệp Vua Cua vẫn vươn mình phát triển với những mô hình mới. Những chiến lược linh hoạt đã giúp thương hiệu này sống sót và vượt qua đại dịch.
Từ sở thích “ghiền cua” đến giấc mơ Vua Cua
Tìm hiệu về sự hình thành của Vua Cua, chúng ta phải quay trở lại thời điểm năm 2016. Anh Thư chia sẻ rằng ý tưởng hình thành chuỗi nhà hàng cao cấp đến trừ trải nghiệm bỏ mối cua Cà Mau cùng với sở thích ghiền cua của mình. Thư tự nhận mình là “một người không biết nấu ăn hay kinh doanh ngành F&B trước đó”.
Vua Cua không phải là “đứa con tinh thần” đầu tiên của Thư. Website cung cấp điện thoại của Thư cũng từng đạt nhiều thành tựu, cả về bộ máy lẫn tài chính. Tuy nhiên, kể từ khi Tiki, Lazada cung cấp hàng điện tử, cô bắt đầu thua lỗ và buộc phải từ bỏ. Loay hoay tìm hướng đi mới. Tình cờ, Thư tìm được vài chỗ cung cấp cua Cà Mau rất ngon, mà cô lại rất thích ăn cua. Chính vì vậy, ý tưởng bỏ mối cua cũng được hình thành từ đây.
Thời gian đầu tiên, Anh Thư nhận đặt hàng trên Facebook. Những công thức sốt cũng là do cô tự mày mò và chế biến thêm để phục vụ khách. Cua cũng được Thư sơ chế sẵn vì phần lớn khách hàng của cô không có thời gian thực hiện. Anh Thư chia sẻ: “Cứ 4 giờ sáng đến chợ đầu mối lấy cua, đem về phòng trọ nghỉ ngơi một tý rồi dậy sơ chế và bắt đầu đem giao lúc 8 giờ”.
Theo thời gian, các đơn hàng trên Facebook cũng tăng dần. Doanh thu hàng tháng đạt mốc trên 40 triệu đồng. Tình hình kinh doanh khá ổn nên Anh Thư đã mạnh dạn nghĩ đến việc mở quán bán offline.
Vua Cua Restaurant
Sự thành công của Vua Cua trước thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ
Anh Thư bắt đầu khởi nghiệp Vua Cua với chi nhánh đầu tiên đặt tại đường Võ Thành Trang (quận Tân Bình). Chỉ sau 6 tháng, chi nhánh thứ 2 được mở tại Vũ Huy Tuấn (quận Bình Thạnh). Lỗ đến 1 triệu đồng/ ngày khiến Thư buộc phải đóng cửa chi nhánh thứ hai sau ba tháng. Đồng thời Thứ phải trực tiếp đứng bếp cùng ba nhân viên tại nhà hàng còn lại.
Cùng với đó, Thư quyết định đổi mô hình kinh doanh sang buffet cua với giá 269.000đ/ người. Chính sự chuyển mình này đã mang về cho nhà hàng 200 lượt khách mỗi ngày. Thư chia sẻ: “Kinh khủng nhất là với 4 nhân viên tính luôn cả tôi, phục vụ 200 người mỗi ngày, tôi như bị cuốn vào vòng xoáy công việc và không có thời gian để nghĩ ra ý tưởng gì mới”.
Buffet Vua Cua
Sau ba năm phát triển, tính đến 2019, Vua Cua đã có tổng số 5 chi nhánh tại TP.HCM. Đây là một con số không hề khiêm tốn trong kinh doanh nhà hàng. Có được điều này một phần là nhờ sự thông minh trong việc chọn địa điểm. Hầu hết các chủ nhà hàng đều nhắm đến vị trí đắc địa. Nhưng Thư lại cho rằng, vị trí không cần đẹp, chỉ cần dễ tìm và có chỗ cho khách đậu xe, xuống xe an toàn là được.
“Cái bẫy ngọt ngào” và sự thức tỉnh vượt sóng lớn của Vua Cua
Trong lĩnh vực kinh doanh chuỗi nhà hàng, việc mở rộng và phát triển mạng lưới chi nhánh là một trong những yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, điều đó đúng trước khi xuất hiện làn sóng dịch COVID-19. Như bao founder của các chuỗi F&B khác, Anh Thư chỉ chú tâm vào việc phát triển nhà hàng và quan tâm đến việc mở được càng nhiều chi nhánh càng tốt. Thư chia sẻ: “Đây là một cái bẫy ‘ngọt ngào nguy hiểm’, không chỉ mình tôi mà hầu hết người chủ của chuỗi F&B đều ít nhiều mắc phải. Nếu không vì Covid-19, lắm khi tôi vẫn còn đắm chìm trong giấc mơ đó, mà không thể thức tỉnh”.
Giống như bao chuỗi F&B khác, mô hình khởi nghiệp Vua Cua Restaurant đã gần như thất thu trong suốt đợt giãn cách và cao trào của dịch bệnh. Nhưng đó cũng chính là bối cảnh giúp founder Anh Thư ngộ ra rằng chuỗi nhà hàng offline càng nhiều càng mau chết. Đơn giản vì không thể chống chọi với những biến động bất ngờ và khó bắt kịp xu hướng của thị trường. Ý tưởng về Vua Cua Bike ra đời cũng từ đó.
Trong bối cảnh dịch bệnh, vốn nhỏ – cơ động – thu hồi nhanh mới là giải pháp sống còn. Hơn nữa, trong thời đại công nghệ số, chuyển đổi số thì chỉ bán offline thôi là chưa đủ. Cần phải chiếm lĩnh cả take-away và mảng online mới là toàn diện. Việc bán hàng đa kênh đã được nhiều chuỗi F&B theo đuổi và Vua Cua cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Một điều may mắn chính là thương hiệu này đã có hệ thống phục vụ việc giao hàng. Chính vì vậy, khi dịch chuyển sang online, Vua Cua đã không gặp quá nhiều khó khăn. Đây có thể nói là một nước đi đúng đắn, thức tỉnh giữa thời cuộc của đội ngũ Vua Cua. Mô hình Vua Cua Bike cũng được ra đời từ đây.
Menu Vua Cua Bike
Các mô hình khởi nghiệp Vua Cua
Tính đến thời điểm hiện tại, thương hiệu Vua Cua đã sở hữu 3 mô hình kinh doanh với những ưu điểm khác biệt.
Vua Cua Restaurant
Nhà hàng Vua Cua là mô hình ra đời đầu tiên trong chuỗi khởi nghiệp Vua Cua. Đây là mô hình mà khách hàng có thể trải nghiệm dịch vụ, thưởng thức tất cả những món ăn tinh túy nhất của Vua Cua. Sau 5 năm phát triển, thương hiệu đã sở hữu 5 nhà hàng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Anh Thư cho biết, đến năm 2020, mô hình nhà hàng đã chuẩn hóa được quy trình sản phẩm và dịch vụ.
Vua Cua Express
5 năm mới có thể có được 5 chi nhánh. Điều này đủ để thấy restaurant là mô hình khó nhân rộng. Trong khi mục tiêu Vua Cua nhắm tới là có thể phục vụ tất cả các khách hàng. Chính vì vậy, Vua Cua Express ra đời.
Mô hình khởi nghiệp Vua Cua Express là những ki-ốt cố định đặt gần nhà hàng. Tại đây có hầu hết các món nhà hàng phục vụ. Tuy nhiên điểm khác biệt là mô hình này chỉ phục vụ take-away. Có thể nói đây là mô hình phát triển theo cloud-kitchen.
Nhược điểm của mô hình này vẫn là khó nhân rộng nhanh. Bởi lẽ nó phục vụ nhiều món, cần vốn đầu tư lớn. Chính vì vậy mà Vua Cua Bike đã được hình thành.
Vua Cua Bike
Khởi nghiệp Vua Cua Bike giữa ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy gặp nhiều khó khăn xong Anh Thư cho rằng đây là một cơ hội để phát triển. Vua Cua Bike là mô hình xe cua chỉ bán một vài món ngon để mang đi. Ưu điểm của mô hình này là vốn thấp, có sẵn thương hiệu và nguồn nguyên liệu chất lượng. Cùng với đó là 13 loại nước sốt độc quyền. Chính vì vậy mà đây là mô hình lý tưởng để nhân bản.
Chỉ với khoảng 110 triệu đồng, với chi phí mặt bằng giới hạn không quá 11 triệu đồng/ tháng. Theo Anh Thư, thời gian hòa vốn của mô hình này rơi vào khoảng 10 đến 18 tháng. Đây là một mô hình lý tưởng đại diện cho sự linh hoạt và cơ động. Từ đó tăng khả năng ứng biến với những biến cố bất ngờ của thị trường.
Mô hình khởi nghiệp Vua Cua Bike khiến các cá mập tranh giành trên Shark Tank mùa 4
Theo Anh Thư – CEO Vua Cua, trong năm 2020, doanh số của Vua Cua bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Tuy nhiên, doanh số vẫn đạt mức tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước, đem về 7 tỷ lợi nhuận – tăng trưởng nhẹ 10%.
Sau hành trình 5 năm khởi nghiệp Vua Cua, Anh Thư đã mang Vua Cua Bike lên Shark Tank mùa 4 gọi vốn. Mô hình bán cua trên xe lưu động chỉ với 110 triệu đồng thể hiện sức hấp dẫn. Không chỉ bởi vốn thấp, mà thương hiệu này còn không phụ thuộc đến Grab, Baemin, Now khiến 3 cá mập tranh giành. Kết quả cuối cùng, Vua Cua đã chốt deal số vốn 3,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần với shark Liên.
Vua Cua chốt deal với Shark Đỗ Liên
Khởi nghiệp Vua Cua vượt “sóng” lớn để thành công
Với sự đồng hành của shark Liên, sau hơn 1 năm phát triển, tính tới thời điểm hiện tại, Vua Cua không chỉ phục hồi sau đại dịch mà còn tăng trưởng mạnh với 10 chi nhánh. Đồng thời, sản phẩm của thương hiệu đã được lên kệ siêu thị tại Seattle, Mỹ. Cùng với đó, Vua Cua chuyển đổi số thành công toàn bộ hệ thống. Đồng thời, thương hiệu này đã kết hợp cùng NSND Hồng Vân mở cửa hàng nhượng quyền Vua Cua Express thứ 3.
Năm 2020, mức target đặt ra là 74 tỷ đồng. Con số thực tế đạt 56 tỷ đồng mặc dù CEO Anh Thư bị kẹt tại Mỹ 9 tháng. Đó là những con số cực kì ấn tượng được Thư chia sẻ trên Shark Tank 4. Và nó cũng chứng minh được rằng quy trình vận hành của Vua Cua tương đối ổn định. Từ đó cũng có thể ổn định chất lượng sản phẩm và nhân bản dễ dàng.
Giấc mơ đem cua Việt Nam vươn tầm thế giới
Với tham vọng biến cua Cà Mau thành đặc sản Việt Nam, cùng sự đồng hành của Shark Liên, Vua Cua đang đẩy mạnh chiến lược mở rộng thị phần. Mục tiêu trong năm 2022 ước đạt tổng 30 đến 50 cửa hàng mô hình nhượng quyền Vua Cua Bike, Vua Cua Express. Và tham vọng đạt ngưỡng 100 cửa hàng vào năm 2023.
Để chiếm lĩnh thị trường Mỹ, Vua Cua đã bắt tay hợp tác với Công ty Uplyft Holdings. Việc này nhắm đến mở một nhà hàng chuẩn hóa mô hình tại thị trường Mỹ. Theo dự kiến, nhà hàng sẽ hoạt động vào quý 01/2023. Đồng thời, Vua Cua cũng nhắm mục tiêu phân phối các loại nước xốt tại chợ người Việt. Bên cạnh đó còn có các sàn thương mại điện tử như Amazon. Và sau cùng là hướng tới các hệ thống siêu thị lớn tại Mỹ như Costo. Hướng đi này đã cho thấy những tham vọng về việc Quốc tế hóa thương hiệu.
Vua Cua ký kết hợp đồng với Công ty Uplyft Holdings
Đôi nét về Founder kiêm CEO Vua Cua – Đoàn Thị Anh Thư
Anh Thư có thể nói là một doanh nhân thuộc thế hệ 8x. Là một người thuộc cộng đồng LGBT, Anh Thư thể hiện sự xuất chúng của mình. Với mọi người xung quanh, Thư là một doanh nhân đặc biệt. Không phải vì Thư thuộc cộng đồng LGBT mà là vì lối làm kinh doanh thực tế. Thư luôn “biết mình biết ta” và quan trọng là luôn luôn cầu thị.
CEO kiêm Founder của Vua Cua – Đoàn Thị Anh Thư
Với nguyên tắc “Không bao giờ từ chối bất kỳ khách hàng nào”, Anh Thư đã chứng mình cho mọi người bằng sự thành công của thương hiệu Vua Cua. Sự khôn ngoan và thực tế của Thư cũng thể hiện rõ trong việc phát triển nhiều mô hình kinh doanh khác nhau cho thương hiệu Vua Cua. Cùng với đó, việc chọn Vua Cua Bike thay vì Vua Cua Express hay Vua Cua Restaurant để nhượng quyền cũng là một trong những quyết định thể hiện sự nhanh nhạy của Thư đối với kinh doanh chuỗi F&B.
Có thể nói, mô hình khởi nghiệp Vua Cua là một biểu tượng của sự thành công trong kinh doanh chuỗi F&B. Bài toán của Vua Cua cho thấy việc nắm bắt thị trường là điều hết sức quan trọng với F&B. Bên cạnh đó, việc chuẩn hóa quy trình là một trong những yếu tố tiên quyết khi muốn nhân bản chuỗi.
Những thông tin vừa rồi hy vọng giúp cho các bạn có những cái nhìn tổng quan về sự thành công của Vua Cua – một điển hình trong kinh doanh chuỗi F&B. Đừng quên ghé Airkitchen thường xuyên để có thêm thật nhiều những case study hữu ích về kinh doanh F&B nhé!